Tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản. Trong ảnh: Ông Nguyễn Minh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng Ban Kinh tế- Ngân sách- HĐND tỉnh khảo sát mã số vùng trồng. |
(VLO) Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn các nhóm vấn đề được cử tri quan tâm. Trong đó, công tác quy hoạch vùng trồng, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT), đóng gói nông sản chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đã được các đại biểu dành nhiều thời gian chất vấn đối với ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh.
Quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng
Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã chất vấn các nội dung liên quan đến 7 nhóm vấn đề, trong đó 3 nhóm vấn đề trả lời trực tiếp tại hội trường và 4 nhóm vấn đề trả lời bằng văn bản. Qua chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được đại biểu lựa chọn đều là những vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo các đại biểu HĐND tỉnh, cử tri, cũng như dư luận xã hội và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, cơ bản chất vấn bám sát vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ hơn nội dung chất vấn.
|
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội nửa đầu năm 2023, nông nghiệp đã thực sự được khẳng định và phát huy vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm cho người lao động.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hướng mạnh tới thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị nông sản, đại biểu Lê Chí Thanh- đơn vị TP Vĩnh Long, đặt vấn đề: UBND tỉnh đã có những giải pháp gì trong lãnh đạo, chỉ đạo “Công tác quy hoạch vùng trồng, quá trình thực hiện quy hoạch, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; việc cấp MSVT, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, theo quy trình VietGAP, theo tiêu chuẩn EU và các nước); việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đóng gói nông sản chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho hay: Tỉnh luôn xác định quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng, vì vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp cho công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải.
Hiện, tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cây trồng chủ lực và tiềm năng để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm.
Các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh thông qua các hoạt động như: tập huấn các chương trình, mô hình, dự án, kỹ thuật canh tác, phòng chống dịch hại, triển khai các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới…
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân.
Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến việc cấp MSVT, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chất lượng được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan liên quan và người dân về việc cấp, quản lý MSVT.
Đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 107 vùng trồng đã được cấp mã số; 12 cơ sở được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP, ISO và tương đương; 24 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.
Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại được tập trung chỉ đạo. Tổng sản lượng nông sản xuất khẩu hàng năm trên 32.000 tấn. Thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Úc…
Huy động nguồn lực xây dựng MSVT
Ông Lữ Quang Ngời cho hay: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Trong đó, nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về MSVT, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của tỉnh. Tập trung chỉ đạo phát triển vùng cây trồng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Bên cạnh, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng MSVT, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Đại biểu Lê Chí Thanh- đơn vị TP Vĩnh Long đặt câu hỏi chất vấn. |
Nhất là có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Song song đó, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý MSVT, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Trung ương.
Đặc biệt chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV; thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo thị trường tiêu thụ nông sản, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản của từng thị trường tiêu thụ; triển khai các giải pháp kết nối mở rộng thị trường và kênh phân phối cho nông sản tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, thương mại điện tử; tập trung đầu tư hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhận định việc xây dựng MSVT bước đầu đã thực hiện đạt khá, thời gian tới cần sớm triển khai quy hoạch của tỉnh, tập trung quy hoạch đảm bảo đồng bộ, hiệu quả nhất là quy hoạch ngành nông nghiệp đảm bảo tập trung.
Bên cạnh, cần rà soát đánh giá lại các sản phẩm có sản lượng đáp ứng yêu cầu để có thể mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến; tập trung các giải pháp thành lập HTX, tổ hợp tác gắn với xây dựng MSVT để quản lý tốt và làm tới đâu chắc đến đó, hiệu quả đến đó.
Đồng thời, cần làm tốt việc tổ chức sản xuất, tìm hiểu thị trường, căn cứ vào tiêu chí, đơn đặt hàng của đơn vị nhập khẩu để khắc phục tình trạng “trúng mùa, mất giá”. Cùng với đó, phải quy hoạch khép kín vùng trồng, quản lý chặt chẽ MSVT, cơ sở đóng gói.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CẨM HUỆ