Vườn xoài gắn bó với gia đình tôi từ lâu, từ khi cha tôi còn nhỏ đã thấy những cây xoài vươn tán rộng trên núi. Gia đình tôi trồng xoài cát, diện tích và số lượng cây xoài không nhiều như bây giờ nhưng cũng đủ để cha mẹ lo cho chúng tôi ăn học. Mùa xoài chín, cha tôi vót tre làm vợt hái trái, chỉ cần đứng dưới gốc cây giật nhẹ là trái xoài nằm gọn trong lồng. Mỗi trái xoài chín ngọt đều chứa đựng nỗi vất vả của cha.
Mùa xoài trổ bông đi theo tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm ngọt ngào. Bông xoài nở nhanh, gần như không có dấu hiệu báo trước thời điểm bừng nở. Dù bông xoài ít rực rỡ nhưng bù lại hương xoài thơm ngát.
Cứ mỗi độ xoài nở bông, chúng tôi thường gom bông xoài rụng để chơi đồ hàng. Đồ chơi chuẩn bị đơn giản, chỉ là những chiếc nồi, chén, dĩa được nặn từ đất sét lấy dưới ruộng hay ven kênh, rạch sau nhà. Chúng tôi mải mê với trò chơi này từ khi mới chập chững biết đi nên đứa nào cũng biết cách nặn nồi, chén, dĩa chuyên nghiệp, trông như đồ thật. Chỉ vậy thôi mà lũ trẻ chúng tôi say mê chơi dưới những tán xoài mát rượi.
Mùa xoài trùng với đầu hè hàng năm, bước qua tháng tư, xoài đủ độ già, bắt đầu chín bói. Ảnh: THẾ ANH
Nhà tôi trồng xoài nên không thiếu những món ăn gắn với hương vị xoài xứ núi. Đứa trẻ nào cũng thích ăn xoài chín nhưng xoài xanh cũng ngon không kém. Ăn xoài xanh cắt lát chấm nước mắm đường pha sền sệt với vài lát ớt sẽ thấy chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt, the the, giòn giòn. Nếu không có nước mắm pha đường thì chỉ cần một chén muối hay mắm ruốc cũng rất ngon.
Dù bận làm vườn mẹ tôi vẫn làm món xoài ngâm nước mắm đường cho cả nhà thưởng thức. Mẹ tôi nói phải lựa những trái xoài xanh, vỏ hơi cứng, giống xoài cát ngâm mới ngon. Sau khi gọt vỏ, xoài được chẻ làm hai hoặc làm bốn tùy trái lớn nhỏ, rửa sạch và để ráo. Công đoạn nấu nước mắm và đường đậm đặc rất quan trọng. Cuối cùng, mẹ tôi đổ đường vào keo xoài cùng vài lát ớt chín cho có vị cay, thơm và màu sắc hấp dẫn.
Ngoài xoài ngâm nước mắm đường, món gỏi xoài cũng rất ngon. Xoài xanh cắt phần cuống xoa đều cho mủ chảy hết, gọt vỏ ngoài, rửa sạch, sau đó bào thành từng sợi nhỏ dài vừa ăn. Muốn món gỏi xoài xanh giòn, ngon hơn nên chọn những quả xoài già vừa hái trên cây xuống. Mỗi công đoạn làm món gỏi xoài đều cần sự khéo tay. Cho xoài xanh bào sợi và các nguyên liệu vào thau sạch, trộn đều, sau đó đổ nước trộn gỏi lên trên, trộn đều thêm một vài lần nữa, để khoảng 15 phút cho ngấm là có thể ăn được. Món ăn dù đơn giản, dễ làm mà hương vị lại thơm ngon, khó quên cho ai một lần thưởng thức.
Mùa xoài gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ xứ hòn. Ảnh: THẾ ANH
Sau tết, xoài bắt đầu đơm bông rồi vài tháng là cho trái, mùa xoài rộ trùng với thời điểm đầu hè hàng năm. Qua tháng tư, xoài đủ độ già, bắt đầu chín bói. Mùa thu hoạch xoài diễn ra đông vui lắm.
Theo thời gian, Thổ Sơn quê tôi ngày càng phát triển. Nhờ siêng làm ăn mà cuộc sống người dân quê tôi ngày càng thay đổi, những mùa xoài nối tiếp nhau giúp cho người dân quê tôi xây nên những mái nhà khang trang và ấm cúng, viết nên những hành trình tương lai cho chúng tôi.
Ngày nay, cha với các chú, các dì tôi trồng xoài ở những ấp lân cận của xã Thổ Sơn đã liên kết thành hợp tác xã chứ không mạnh ai nấy trồng, bán như xưa. Theo cha tôi, nhờ tham gia hợp tác xã, nông dân trồng xoài được bao tiêu đầu ra nên giá bán ổn định hơn. Nhờ được tập huấn khoa học và kỹ thuật nên người dân trồng xoài khoa học hơn, xử lý ra hoa trái vụ hiệu quả nên năng suất và sản lượng xoài tăng cao, người dân gắn bó hơn với vườn xoài.
Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đóng gói xoài cát Hòa Lộc để bán cho thương lái. Ảnh: THÙY TRANG
Ngày nay, xoài cát Thổ Sơn nổi tiếng khắp nơi, người dân quê tôi tự hào vì trái xoài xứ núi được đến nhiều nơi, thêm nhiều người được thưởng thức.
Mùa xoài lại về giữa xôn xao tiếng chim, giữa những xô bồ của cuộc sống, tôi ước mình hóa trẻ thơ để thấy những bông xoài đang rơi, từng chùm xoài chen nhau hay nghe tiếng lá rụng ào ạt theo gió dồn về một góc vườn để một lần nữa được sống trong những kỷ niệm ngọt ngào của mùa xoài xứ núi.
THẾ ANH