Chỉ là nhân viên bán vé xe buýt, nhưng Trần Thị Kim Kiều (sinh năm 1993, trú TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn khiến nhiều người tin tưởng hùn tiền tham gia làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng” vì hy vọng được nhận lãi. Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên dự kiến sẽ được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử vào ngày 23-6.
Khoảng đầu năm 2019, Kiều từ tỉnh Gia Lai xuống TP. Nha Trang sinh sống như vợ chồng với L.P.H.V và làm nhân viên bán vé xe buýt cho một công ty.
Năm 2021, do dịch Covid-19, công việc khó khăn, Kiều phải vay mượn trang trải cuộc sống, dẫn đến nợ nần. Khoảng tháng 6-2021, khi không thể trả nợ tiếp, Kiều nảy sinh ý định lừa đảo. Kiều kể với V. là có quen một người bán vật liệu xây dựng và một người làm nhân viên ngân hàng ở huyện Khánh Vĩnh. Họ rủ Kiều làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng”. Kiều nói V. rủ 2 bạn học phổ thông góp vốn làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng” kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tin tưởng Kiều, V. rủ 2 người bạn là N.T.R.N và T.T.T.U góp vốn, hứa 3-5 ngày sau sẽ trả gốc và lãi đầy đủ với lãi suất 3%/ngày.
Tin tưởng bạn, bà N. và bà U. chuyển tiền cho V. vài lần. V. đều chuyển ngay cho Kiều. Sau này, Kiều trực tiếp rủ bà N. và bà U. góp vốn cho Kiều để làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng”. Thấy mấy lần trước V. và Kiều đều trả gốc và lãi đầy đủ nên 2 bà tin tưởng, tiếp tục chuyển tiền, đưa tiền mặt hoặc nhờ người khác chuyển tiền cho Kiều nhiều lần. Riêng bà N. chuyển cho Kiều tổng cộng 4,28 tỷ đồng. Nhưng sau khi nhận tiền, Kiều không làm bất cứ dịch vụ gì liên quan đến đáo hạn ngân hàng mà dùng tiền này trả nợ vay, tiêu xài cá nhân, hoặc chuyển ngược lại cho bà N., nói dối là tiền gốc, lãi có được từ góp vốn làm đáo hạn ngân hàng, để bà N. tin tưởng tiếp tục đưa tiền cho Kiều, đồng thời để che giấu sự thật. Kiều đã chuyển lại cho bà N. hơn 3 tỷ đồng, nói dối là tiền gốc, tiền lãi có được từ việc góp vốn làm đáo hạn ngân hàng.
Cùng thủ đoạn trên, Kiều đã lừa đảo chiếm đoạt của 3 người khác với tổng số tiền 809 triệu đồng. Kiều dùng tiền này trả nợ, tiêu xài cá nhân và đưa lại một phần, nói dối là tiền gốc, tiền lãi từ góp vốn làm đáo hạn ngân hàng. Tính ra, chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8-2021), với thủ đoạn gian dối rủ người khác góp vốn làm “dịch vụ đáo hạn ngân hàng”, Kiều đã chiếm đoạt của 4 người tổng cộng hơn 5 tỷ đồng. Đến ngày 20-8-2021, khi không còn khả năng trả, Kiều bỏ trốn.
Điều tra xác định, người bán vật liệu xây dựng và người làm nhân viên ngân hàng chỉ quen biết Kiều, không làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, không thỏa thuận với Kiều về dịch vụ đáo hạn ngân hàng, tài khoản cũng không có giao dịch nhận, chuyển tiền với Kiều. V. tin tưởng Kiều nên giới thiệu với bạn, hoàn toàn không biết Kiều nói dối để chiếm đoạt tài sản; sau khi nhận tiền đã chuyển toàn bộ cho Kiều và không hưởng lợi gì. Riêng bà U. đã chuyển tổng cộng 480 triệu đồng cho Kiều để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Kiều lại dùng tiền này trả nợ vay, tiêu xài cá nhân. Tuy nhiên, Kiều đã đưa lại cho bà U. hơn 700 triệu đồng. Như vậy, mặc dù Kiều đã gian dối để nhận tiền nhưng đã chuyển trả bà U. nên không có việc chiếm đoạt tiền của bà U., không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Một người dân khác tố cáo Kiều chiếm đoạt hơn 83 triệu đồng cũng được xác định chỉ là quan hệ vay mượn dân sự.
NGUYỄN VŨ