Thực phẩm đông lạnh có thể không còn an toàn sau khi mất điện nên bạn cần có các biện pháp phòng ngừa an toàn thích hợp thực hiện trước, trong và sau khi mất điện.
Dự phòng tình huống mất điện
Hãy chắc chắn rằng bạn có nhiệt kế thiết bị trong tủ lạnh và tủ đá. Cần kiểm tra để đảm bảo rằng nhiệt độ của tủ đông bằng hoặc thấp hơn âm 17 độ C và tủ lạnh bằng hoặc thấp hơn 4 độ C.
Trong trường hợp mất điện, nhiệt kế của thiết bị sẽ cho biết nhiệt độ trong tủ lạnh và tủ đông để giúp bạn xác định xem thực phẩm có đang an toàn hay không.
Trữ các hộp đựng đầy đá để giúp giữ lạnh thực phẩm trong tủ đá, tủ lạnh hoặc tủ mát trong trường hợp mất điện.
Cấp đông các mặt hàng được làm lạnh như thịt và gia cầm tươi bạn có thể không cần dùng ngay. Điều này giúp giữ chúng ở nhiệt độ an toàn lâu hơn.
Nhóm thực phẩm lại với nhau trong tủ đông. Điều này giúp thực phẩm giữ lạnh lâu hơn.
Trữ đá viên lẫn các gói gel lạnh trong tủ, dự phòng khi mất điện sẽ sử dụng.
Hướng dẫn của CDC Mỹ về giữ an toàn cho thực phẩm trong tủ lạnh, tủ đông khi mất điện. Ảnh: CDC
Khi mất điện
Đóng cửa tủ lạnh và tủ đông càng nhiều thời gian càng tốt để duy trì nhiệt độ lạnh. Tủ lạnh sẽ giữ an toàn cho thực phẩm trong khoảng 4 giờ nếu chưa mở. Trong khi đó, tủ đông đầy sẽ giữ nhiệt độ trong khoảng 48 giờ (24 giờ nếu tủ đông chỉ còn một nửa thực phẩm) nếu cửa vẫn đóng.
Mua đá khô hoặc đá khối để giữ cho tủ lạnh càng lạnh càng tốt nếu mất điện trong thời gian dài.
Khi có điện trở lại
Ngay khi có điện trở lại, bạn kiểm tra nhiệt độ của các ngăn mát và ngăn đông. Nếu nhiệt kế của tủ đông chỉ từ âm 17 độ trở xuống, thực phẩm đó an toàn và có thể được cấp đông lại.
Trong trường hợp không có sẵn nhiệt kế trong ngăn tủ, hãy kiểm tra từng gói thực phẩm để xác định độ an toàn của nó. Nếu thực phẩm vẫn còn cứng như đá hoặc nhiệt độ còn đủ lạnh, việc cấp đông lại hoặc nấu lại là an toàn.
Trong trường hợp mất điện quá lâu (cả ngày chẳng hạn), bạn cần phải kiểm tra tất cả thực phẩm. Nên vứt bỏ mọi thực phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh, chẳng hạn như thịt, gia cầm, hải sản, sữa, trứng hoặc thức ăn thừa đã ở nhiệt độ trên 4 độ C trong 4 giờ trở lên. Thực phẩm dễ hỏng có nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống (được đo bằng nhiệt kế thực phẩm) sẽ an toàn nhưng nên được nấu chín và tiêu thụ càng sớm càng tốt.
Cần lưu ý, thực phẩm dễ hỏng chẳng hạn như thịt gia cầm, hải sản, sữa và trứng không được giữ lạnh hoặc đông lạnh đầy đủ có thể gây bệnh nếu tiêu hóa, ngay cả khi chúng đã được nấu chín kỹ. Vứt bỏ bất kỳ thực phẩm nào có mùi, màu hoặc kết cấu bất thường.
Theo VNE