Ban đầu, ở thôn Xuân Mai, xã Ninh An, huyện Hoa Lư chỉ có một vài hộ trồng hoa giấy để chơi trong nhà. Không ngờ, có một số khách đến thăm ngỏ ý muốn mua và trả giá rất cao. Nhạy bén với thị trường, ngày càng có nhiều người dân trong thôn tìm hiểu, đầu tư trồng hoa giấy với quy mô lớn. Hoa giấy trở thành thứ cây hàng hóa đem lại thu nhập cao cho bà con nơi đây.
Về Xuân Mai đúng vào mùa hoa giấy đẹp nhất trong năm, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi không gian thơ mộng, rực rỡ sắc màu với đa dạng kiểu dáng, thế cây được tạo bởi bàn tay khéo léo, cần cù của những người nông dân miền quê này.
Là một trong những người đầu tiên trong thôn Xuân Mai đưa cây hoa giấy vào trồng, đến nay ông Vũ Văn Lanh đã sở hữu khoảng vườn rộng 2.000 m2 với hàng trăm gốc hoa giấy lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, có nhiều cây tuổi đời hàng chục năm, đường kính thân lên tới 30 – 40 cm, chiều cao 4 – 5 m, giá trị hàng trăm triệu đồng.
Ông Lanh chia sẻ: Gia đình vốn đã có nghề làm cây cảnh từ 20 năm trước, tuy nhiên sau một thời gian chơi và tìm hiểu về cây hoa giấy thì ông đã bị cuốn hút bởi loài cây này. “Hoa giấy là một loại cây cực kỳ dễ chăm, hầu như không có sâu bệnh. Đặc biệt, bộ rễ của nó cũng rất đẹp, dễ tạo hình, hoa thì ra quanh năm với màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Chính vì những đặc tính đó mà tôi đã quyết định chuyển hướng trồng chuyên canh loại cây này” – ông Lanh nói.
Giống hoa giấy mà ông Lanh đang trồng đều là giống hoa giấy nguyên thủy có màu hồng xác pháo và hồng lem trắng. Các tạo hình chủ yếu dáng bàn trà, gác cổng… Ngoài tự trồng và nhân giống, ông Lanh còn tìm mua, sưu tập các gốc cây cổ thụ ở khắp nơi về để chăm sóc, uốn nắn sau đó cung cấp ra thị trường. Với mức giá thị trường hiện nay, trừ các chi phí đầu tư giống ban đầu, công chăm sóc, phân bón, cây hoa giấy mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
Ông Lanh cho biết, ông còn ấp ủ dự định, sẵn vườn hoa giấy đẹp, cải tạo thêm một chút khuôn viên, trồng thêm các loại hoa súng, hoa sen ở dưới ao, để tới đây làm dịch vụ chụp ảnh check in, homestay nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Cùng lựa chọn hoa giấy để canh tác trên sào đất vườn nhà, anh Nguyễn Văn Tuệ, chia sẻ: Là dân “tay ngang”, nên thời gian đầu anh cũng phải đầu tư khá nhiều thời gian, tâm sức để mày mò, tìm hiểu nắm bắt các kỹ thuật. Theo anh Tuệ, trồng cây cảnh khó nhất là chỉnh sửa, tạo thế, đòi hỏi người làm vườn phải có tay nghề cao. Tuy cây hoa giấy có tiếng là “dễ chơi” nhưng để cây cho hoa tập trung, màu sắc đậm đà, bền cũng không hề đơn giản. Giai đoạn đầu, chưa có kinh nghiệm nên anh gặp nhiều khó khăn. Phải trầy trật một thời gian, vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm, sau 1 năm mới thành công.
“Đối với giống cây này, phải chăm sóc đều tay, thường xuyên theo dõi, quan sát để tạo dáng kịp thời cho cây. Vào mùa đông ở miền Bắc, trời rét, nắng kém, hoa giấy thường rất ít hoa. Lúc đó phải xử lý bằng kỹ thuật cắt nước, không nên bón nhiều đạm, mà chủ yếu là bón lân, kali và các loại phân hữu cơ để kích cây trổ hoa” – anh Tuệ bật mí một vài kinh nghiệm chăm sóc hoa giấy của mình.
Hiện nay, trong vườn nhà anh Tuệ đang có gần 100 gốc hoa giấy đủ kích cỡ, màu sắc. Tùy theo gốc lớn, nhỏ, đẹp, trung bình mà giá dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/chậu.
Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Xuân Mai, ông Nguyễn Mạnh Toàn cho biết: Tính đến thời điểm này, cả thôn có hơn 10 hộ làm nghề trồng hoa giấy. Hàng năm các hộ này tạo ra hàng nghìn sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, được thị trường cả trong và ngoài tỉnh đón nhận. Không những thu nhập của người dân được cải thiện mà cảnh quan môi trường trong thôn cũng đẹp đẽ hơn.
Được biết, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, mới đây xã Ninh An đã quy hoạch một khu sản xuất tập trung, rộng 3 mẫu để bà con di chuyển ra đây, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế nông nghiệp theo vùng hàng hóa, chuyên canh. Bài, ảnh: Nguyễn Lựu