Điểm chuẩn học bạ trường Đại học Ngoại thương 30,3, vượt mốc 30 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là do có điểm ưu tiên.
Hôm 15/6, trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức, gồm xét học bạ với thí sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, hoặc học trường chuyên (phương thức 1); xét kết hợp học bạ với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm bài thi chuẩn hóa ACT, SAT, A-Level (phương thức 2); xét điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia (phương thức 5).
Phương thức 1 và 2 đều xuất hiện điểm chuẩn 30, riêng nhóm xét học bạ với thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia lấy 30,4 điểm.
Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, điểm ưu tiên với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần. Những em đạt tổng 30 điểm ba môn sẽ không còn được ưu tiên. Do đó, điểm chuẩn đại học không thể vượt 30.
Lý giải điều này, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, cho biết điểm xét tuyển ở phương thức xét học bạ kết hợp giải học sinh giỏi gồm ba thành phần: điểm trung bình 5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển (tối đa 30), điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2,75), điểm cộng giải học sinh giỏi (tối đa 2 điểm với giải tỉnh, 4 điểm với giải quốc gia). Như vậy, nếu không tính điểm cộng theo chính sách của Bộ, điểm tối đa mà thí sinh có thể đạt được đã là 32 hoặc 34.
Theo bà Hiền, việc này đã được trường công bố trong đề án tuyển sinh. Do đó, để phù hợp với chính sách của Bộ, điểm của thí sinh được quy đổi về thang điểm 30. Khi công bố, trường để cả điểm thô và điểm sau quy đổi.
Bà Hiền khẳng định việc quy đổi không làm ảnh hưởng tới thứ hạng trúng tuyển của thí sinh, bởi công thức được áp cho tất cả thí sinh đăng ký nhóm đó. “Việc quy đổi điểm mang tính kỹ thuật, không ảnh hưởng tới quyền lợi trúng tuyển của thí sinh”, bà Hiền nói.
Với những nhóm không có thí sinh nào vượt 30 điểm, trường Ngoại thương không quy đổi. Chẳng hạn, nhóm xét học bạ kết hợp giải học sinh giỏi quốc gia, chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (định hướng nghề nghiệp quốc tế) lấy điểm chuẩn 30. Thực tế, mức này là 30/34.
Bà Hiền cho biết việc công bố cả điểm thô và điểm quy đổi để thí sinh không hoang mang khi thấy cách tính khác đề án tuyển sinh. Bà khuyên thí sinh bám sát thông tin trong đề án, từ công thức tính điểm xét tuyển tới các mốc thời gian tuyển sinh, tránh bối rối hoặc bỏ lỡ các công việc quan trọng.
Trước đó, hôm 26/5, trường Đại học Luật Hà Nội từng công bố điểm chuẩn học bạ ngành Luật Kinh tế, tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) là 30,3 điểm. Tuy nhiên, sau đó vài tiếng, trường này phải ra thông báo hạ điểm chuẩn xuống 30, để thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bản chất, mức này là 30/31,5, không phải tuyệt đối. Cách tính điểm xét tuyển cũng tương tự trường Đại học Ngoại thương.
Hiện, hầu hết trường đại học trong giai đoạn xét tuyển sớm với các phương thức như sử dụng kết quả học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ học thuật, giải thưởng học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy… Năm ngoái, trong hơn 520.000 thí sinh nhập học đại học, 48% trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ.
Năm nay, những thí sinh thuộc diện này phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ, từ 10 đến 30/7 để được công nhận trúng tuyển chính thức.
Thanh Hằng