(GLO)- Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã có sự khởi sắc rõ nét.
Người dân làng Jun (xã Yang Bắc) phấn khởi khi huyện Đak Pơ đầu tư kinh phí đổ bê tông sân nhà rông của làng. Ảnh: Nhật Hào |
Ấn tượng của chúng tôi khi tới thăm làng Đê Chơ Gang (xã Phú An) là các tuyến đường nội thôn đã được đổ bê tông phẳng lì, hai bên đường là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đinh Truynh cho hay: “Trước đây, 4 sào lúa của gia đình chỉ thu được khoảng 1,2 tấn. Hiện nay, nhờ có nước tưới đảm bảo, biết kỹ thuật chăm sóc nên lúa cho năng suất cao hơn, đạt 1,6-1,8 tấn/vụ. Không chỉ đủ lúa ăn, gia đình còn dư để bán”.
Nói về sự đổi thay của làng, ông Đinh Cao-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Chơ Gang-chia sẻ: “Làng có 137 hộ, trong đó có 124 hộ đồng bào DTTS; thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Làng có được sự khởi sắc này là nhờ Đảng, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, từ khi hồ chứa nước Tờ Đo được nâng cấp (năm 2019), bà con sản xuất hiệu quả hơn”.
Theo ông Trần Vũ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện và các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể của huyện, xã đã quan tâm hỗ trợ làng Đê Chơ Gang sửa chữa đập thủy lợi, giọt nước, hỗ trợ giống lúa, phân bón, cây-con giống với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã cũng trích ngân sách hỗ trợ làng bê tông hóa, cứng hóa một số tuyến đường nội thôn; vận động Mạnh Thường Quân và đơn vị kết nghĩa hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa nhà ở nên tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 73%, đường giao thông được bê tông hóa đạt 70%. So với trước đây, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Tại làng Jun (xã Yang Bắc), ông Đinh Oen-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho hay: Làng hiện có 73 hộ (8 hộ nghèo), đồng bào Bahnar chiếm 95%. Để nâng cao đời sống người dân, làng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, huyện, xã cũng đã hỗ trợ xây dựng nhiều công trình hạ tầng, nhà ở phục vụ sản xuất và sinh hoạt; hỗ trợ cây-con giống, phân bón giúp người dân chuyển đổi cây trồng, áp dụng giống mới, kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm.
Cùng chúng tôi vào thăm làng, ông Võ Viết Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Yang Bắc thông tin thêm: Từ năm 2019 đến nay, làng Jun được huyện hỗ trợ triển khai 4 công trình với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà trị giá 130 triệu đồng; hỗ trợ thực hiện 2 mô hình khuyến nông hiệu quả để nhân rộng; tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Cuối năm 2019, làng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
“Xã có 8 làng thì có đến có 5 làng đặc biệt khó khăn. Do đó, thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ các làng cải thiện hạ tầng, phát triển kinh tế, trong đó, giúp làng Jun giữ vững thành quả xây dựng NTM và ưu tiên giúp đỡ làng Bung Bang Hven đạt chuẩn làng NTM vào cuối năm 2023”-ông Nghĩa cho hay.
Huyện Đak Pơ và xã Yang Bắc đang tập trung nguồn lực giúp làng Bung Bang Hven đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023. Ảnh: Nhật Hào |
Huyện Đak Pơ có 20 làng đồng bào DTTS. Những năm qua, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án và ngân sách địa phương để hỗ trợ các làng xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất. Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2022, từ nguồn vốn xây dựng NTM, huyện đã triển khai 156 công trình với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó, hơn 55% công trình tập trung cho các làng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh cho người dân; hỗ trợ vay vốn, cây-con giống, phân bón, kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng phân công các cơ quan, đơn vị, đoàn thể phụ trách làng để có kế hoạch giúp đỡ, đặc biệt là giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Văn Khánh-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Thông qua việc đầu tư cải thiện hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống của người dân tại các làng đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Minh chứng rõ nhất là đường giao thông nội thôn được bê tông hóa, nhà ở cơ bản được kiên cố, điện thắp sáng kéo về từng hộ dân, các thiết chế văn hóa được xây dựng.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, chú trọng xây dựng các công trình thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu; phân công các cơ quan, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ người dân về kỹ thuật, hỗ trợ cây-con giống, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để tăng năng suất”-ông Khánh thông tin.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, huyện đang tích cực thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động tại Cụm Công nghiệp Phú An để tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là các hộ không có đất sản xuất. Huyện phấn đấu mỗi năm có 1-2 làng đạt chuẩn NTM.