Theo đó, thành phố yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Y tế thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra của thành phố.
Cùng với đó, phải mở rộng số lượng điểm tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, đảm bảo việc dễ tiếp cận vaccine phòng bệnh cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
“Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn”, văn bản nêu.
Trong số các nhiệm vụ của UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố yêu cầu thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Thành phố yêu cầu thực hiện tốt việc quản lý chó, mèo nuôi; thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi; cập nhật thông tin và lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn. Hằng năm, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức tiêm phòng vaccine dại tại các điểm tập trung ở các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư… cho đàn chó, mèo vào tháng 3, 4, đảm bảo tỷ lệ trên 90% tổng đàn.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có tổng đàn chó, mèo rất lớn, từ 421.000- 460.000 con và đang có xu hướng gia tăng. Người dân sống ở vùng đô thị, nhất là các khu chung cư cao tầng có xu hướng nuôi chó cảnh, nhất là các loại chó quý, có giá trị kinh tế cao, có cả các loại chó to, chó dữ.
Trước đó, trong kế hoạch phòng, chống bệnh dại năm 2022, Tp.Hà Nội yêu cầu tất cả các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành lập đội bắt chó thả rông.
Sau đó, theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), việc triển khai lập đội bắt chó thả rông tiến hành trước ở địa bàn các quận, sau đó sẽ nghiên cứu, mở rộng ra các địa bàn ngoại thành.