Bài hát “Quê em ruộng bậc thang” do ông Lộc Minh Tân, dân tộc Tày, nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Na Hang viết lời thơ năm 2019. Bài thơ được ông Tân sáng tác theo làn điệu Páo dung của người Dao tiền xã Hồng Thái, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất tỉnh. Rồi bài thơ cũng được thể hiện cả ở âm hưởng của điệu Then của dân tộc Tày Na Hang. Qua thể hiện bài thơ có nhiều tính nhạc, ông Lộc Minh Tân nhờ nhạc sỹ Đức Liên, người có nhiều ca khúc nổi tiếng về Tuyên Quang, về Na Hang phổ nhạc.
Ông Lộc Minh Tân say sưa với văn hóa quê hương.
Như bắt được cảm xúc của bài thơ “Quê em ruộng bậc thang”, nhạc sỹ Đức Liên cho “ra lò” ngay bài hát “Quê em ruộng bậc thang”, lời thơ Lộc Minh Tân vào năm 2020. Bài hát được ông Lộc Minh Tân sản xuất và phát hành với các giọng ca “cây nhà lá vườn” đã gây được sự chú ý. Tuy nhiên thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 đang bùng nổ, bài hát chưa được giới thiệu rộng rãi ra công chúng.
Năm nay huyện Na Hang tổ chức Lễ hội Hương sắc Na Hang tại sân khấu Quảng trường trung tâm huyện. Bài hát “Quê em ruộng bậc thang” được huyện chọn, mời ca sỹ Trọng Tấn thể hiện, có màn múa phụ họa đi kèm. Lời ca, giai điệu bài hát cất lên thật ngọt ngào, trong trẻo, sâu lắng, lãng mạn, vừa gần gũi, giản dị, vừa trìu mến, thân thương: “Leo đèo Đan Khánh tóc vờn mây/Em gái vùng cao đẹp ngất ngây/Mận đào khoe sắc lê nở trắng mát quanh năm/Bản em lưng chừng núi/Ruộng bậc thang, bờ cong uốn lượn, núi choàng khăn tầng tầng lớp lớp/Sóng lúa reo kiệt tác thiên nhiên, Hồng Thái ơi, giữa đại ngàn…”.
Ông Triệu Văn Quốc, dân tộc Dao tiền thôn Nà Mụ cho biết, ông rất thích bài hát “Quê em ruộng bậc thang”. Nghe đi nghe lại bao lần mà ông vẫn không thấy chán. Ông Quốc thấy thật tự hào khi phong cảnh, bản sắc, địa danh của xã Hồng Thái được thể hiện tinh tế, giàu hình ảnh, chất nhạc trong bài hát. Ví dụ đoạn “… Anh có về Nà Mụ Pác Khoang nơi đầu tiên phong trào cách mạng, thăm Khau Tràng dệt thổ cẩm cấp sắc múa chuông/Điệu Páo dung giao duyên em hát anh dùng dằng không nỡ rời chân…”.
Ca sỹ Trọng Tấn thể hiện bài hát.
Năm 2006 khi công trình thủy điện Tuyên Quang đang vào giai đoạn nước rút, cũng là lúc tôi được phân công phụ trách huyện vùng cao Na Hang. Ông Lộc Minh Tân lúc đó là Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện vừa năng nổ công tác tuyên truyền di dân tái định cư, vừa bắt tay vào giải bài toán bảo tồn bản sắc văn hóa. Tôi biết ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ. Lúc rảnh rỗi ông hay đi điền dã, thâm nhập sâu vào đời sống của người dân. Nếu không hỏi tôi cứ nghĩ ông là người gốc Na Hang thực thụ. Hóa ra ông người Tày xã Thượng Ấm (Sơn Dương), năm 1975 lên Na Hang công tác trong ngành Văn hóa – Thông tin huyện đến năm 2017 nghỉ hưu.
Về hưu nhưng ông Lộc Minh Tân vẫn không quên nghề. Công việc nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn tiếp tục. Qua bao nhiêu năm chứng kiến, Na Hang giờ thay đổi quá nhiều. Du lịch huyện đang phát triển, công cuộc bảo tồn, phát huy bản sắc càng được đẩy mạnh. Ông Lộc Minh Tân cảm thấy vui khi phong cảnh quê hương, bản sắc văn hóa là nguồn lực cho phát triển của địa phương.
Trên thực tế, ông Lộc Minh Tân làm thơ không nhiều, song bài nào ông làm là phải có cảm xúc thực sự: “Điệp trùng Hồng Thái ơi/Điệp trùng mây quê hương đổi mới/Bản làng vui ánh điện sáng lên/Nụ cười hân hoan em thơ tới trường/Du lịch quê em đi trong mây bay, thơm nếp xôi lợn quay rượu hoẵng hồng không hạt đào lê, mận hép/Hương chè Shan thơm mát ki tăng/Nghiêng nghiêng ruộng bậc thang yêu sao Hồng Thái quê mình/Điệp trùng thương điệp trùng nhớ/Hồng Thái ơi! ngọt ngào trong hương núi/Hồng Thái ơi, quê em ruộng bậc thang”.
Vẻ đẹp xã Hồng Thái, Na Hang.
Ông Lộc Minh Tân khẳng định, Na Hang là quê hương thứ hai của ông. Cả thời trai trẻ sôi nổi, lẫn về già trầm tĩnh, điềm đạm, ông đều gắn bó với Na Hang “tình đất, tình người”. Ở đây ông thấy không gian sáng tác của mình như mở ra với bao cảm xúc lại ùa về…