“KIỀNG BA CHÂN”
TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) – TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) – huyện đảo Cồn Cỏ như chiếc kiềng ba chân vững chãi để Quảng Trị làm cơ sở phát triển du lịch biển đảo. Nhiều người kỳ vọng, nếu biết khai thác tối đa tam giác này, sẽ có những sản phẩm du lịch độc đáo.
Quảng Trị hiện có 75 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp. Cách bờ biển Cửa Tùng, Cửa Việt hơn 15 hải lý là đảo Cồn Cỏ. Tam giác đó còn gần các di tích quốc gia đặc biệt như địa đạo Vịnh Mốc và di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải…, thuận lợi cho việc kết nối du lịch biển và du lịch văn hóa. Tam giác này càng có lợi thế lớn nếu mở rộng kết nối với các địa phương trong khu vực, vì nằm ở điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông – Tây, trước khi “hành lang” ngang qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay nối Việt Nam với Lào, đông bắc Thái Lan, Myanmar…
Trong chiến lược phát triển du lịch biển, đảo, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng – Cửa Việt, Khu dịch vụ du lịch dọc tuyến Cửa Tùng – Vịnh Mốc, Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt và Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ. Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú đã ban hành. Đến nay, Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, tuyến đường ven biển Cửa Việt – Cửa Tùng cũng đã hoàn thiện. Cửa Tùng và Cửa Việt cũng là 2 địa điểm thường xuyên diễn ra các lễ hội. Gần nhất, tại Lễ hội văn hóa ẩm thực quốc gia 2023 tổ chức dịp 30.4 – 1.5 ở Cửa Việt, có đến hơn 40.000 lượt khách đổ về đây tham quan, ăn uống, vui chơi…
Với Cồn Cỏ, vài năm trở lại đây chính quyền địa phương cũng đầu tư đáng kể, với định hướng biến nơi này thành đảo xanh du lịch. Tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ hiện đã trở thành điểm nhấn nổi bật của du lịch Quảng Trị. Hòn đảo này hấp dẫn du khách bởi phong cảnh hoang sơ cùng với hệ sinh thái đa dạng. Đặc biệt có 2 tàu cao tốc đưa khách du lịch ra đảo chỉ còn 45 phút so với 2 giờ như trước đây. Huyện đảo Cồn Cỏ đã lồng ghép, bố trí kinh phí tôn tạo một số điểm tham quan, phát triển nâng cấp một số dịch vụ thiết yếu như xe điện đưa đón khách, dịch vụ lặn ngắm rạn san hô…
“RẢI THẢM” ĐÓN NHÀ ĐẦU TƯ ĐỦ TẦM
Theo ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch tỉnh Quảng Trị, “tầm” ở đây vừa là tầm nhìn vừa là tầm đẳng cấp trong nguồn lực kinh tế. Vì ngoài tiềm năng về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Quảng Trị còn rất hoang sơ, cần khai phá…; nếu nhà đầu tư có cái nhìn đủ xa, có nguồn vốn đủ lớn thì hoàn toàn có thể làm nên chuyện.
Ông Tân nhìn nhận, sự phát triển của tam giác du lịch Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ chưa tương xứng với kỳ vọng. Quy hoạch vẫn chưa hoàn thiện thống nhất; cơ sở hạ tầng còn hạn chế, việc kêu gọi chủ đầu tư còn chậm, nhiều dự án nếu đã đầu tư thì dang dở hoặc chưa quyết liệt… “Tỉnh Quảng Trị vẫn luôn tiếp cận, xúc tiến, mong chờ, trải thảm đón nhà đầu tư có thực lực. Họ có thể đầu tư ở từng “đỉnh” của tam giác, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu có đủ tiềm lực kinh tế đầu tư cả trong bờ và ngoài đảo để tăng tính liên kết”, ông Tân kỳ vọng.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, cho biết tiềm năng tam giác du lịch này đã nói nhiều, vấn đề là làm sao biến tiềm năng đó thành thực tế. “Tam giác du lịch đã nằm trong định hướng quy hoạch của Quảng Trị từ nhiều năm trước và tiếp tục được đưa vào quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Trị tầm nhìn 2030 – 2050. Đây là định hướng đúng, nhưng việc kêu gọi đầu tư thì chưa hiện thực hóa được những định hướng, tiềm năng”, ông Tuấn trăn trở.
Trong bối cảnh đó, nhiều dự án đầu tư vào dịch vụ du lịch biển ở khu vực dù được cấp “đất vàng”, có diện tích lớn nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Vì vậy, ngoài việc rà soát chấn chỉnh những dự án “treo”, Quảng Trị cần tiếp tục có chiến lược xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng, và nhất là cần có sân bay để tạo cú hích.