Quá trình điều tra nạn côn đồ lộng hành ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Báo Người Lao Động tiếp nhận phản ánh, đơn thư cầu cứu của một số ngư dân, trong đó có ngư dân Phan Xuân Reo (ngụ xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh).
Ngư dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phản ánh việc nhóm của L. chạy ca-nô, tàu gỗ rảo quanh vịnh Vân Phong từ Vạn Giã đến Vạn Thạnh ép bán tôm
Đánh người giữa lúc đang ăn cơm
Trong đơn cầu cứu gửi Báo Người Lao Động, ông Phan Xuân Reo tố cáo ông Nguyễn Bá L. (một người có “số má” ở địa phương) có hành vi hành hung ông do không bán tôm.
Ông Reo cho biết ông là đại úy, sĩ quan dự bị thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vạn Ninh; là một công dân làm ăn sinh sống lương thiện, luôn chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ở địa phương, ông làm nghề nuôi tôm hùm, công việc làm thêm là thu mua tôm chết, tôm ngạt tại khu vực Bãi Lớn (thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nhiều năm nay.
Theo trình bày của ông Reo, gần đây, ông Nguyễn Bá L. và một nhóm người xuất hiện trên vùng biển huyện Vạn Ninh để tranh giành thu mua tôm hùm. Nhóm này có lần tới bè nuôi tôm của ông để hỏi mua tôm hùm với giá rẻ, ông không bán thì bị ông L. và nhóm người đi cùng dùng lời lẽ hăm dọa. Ông Reo nhẫn nhịn không phản ứng.
Tuy nhiên, lúc 11 giờ 15 phút ngày 14-5, khi ông Reo và 5 người làm công đang ăn cơm trên bè thì ông L. cùng 6 người đi trên chiếc tàu composite nhảy lên bè của ông, bảo bán tôm. Ông Reo không bán thì ông L. bắt đầu chửi bới, hăm dọa.
“Chúng tôi đang ăn cơm nhưng ông L. không tha mà lấy cái cân loại 20 đến 30 kg ném thẳng vào hướng chúng tôi, may mà không trúng ai. Tôi liền lùi vào bên trong bè trốn nhưng ông L. xông vào đấm mạnh vào mặt làm tôi ngã. Ông L. hùng hổ đòi đấm nữa thì mấy người đi cùng can ngăn, kéo lên tàu. Ông L. còn hăm dọa: “Mày mất dạy coi chừng chết với tao. Hôm nay, tao đi thay trời hành đạo. Trời đánh tránh bữa ăn nhưng mày ăn, tao cũng đánh luôn. Sự việc khiến tôi rất lo sợ” – ông Reo kể lại.
Trong khi đó, một chủ tàu chuyên thu mua tôm hùm ở huyện Vạn Ninh phản ánh khi tàu mua tôm của ông đang về cảng thì nhóm ông L. chạy ca-nô chặn lại, rồi ngang nhiên nhảy lên tàu của ông, đòi mua lại tôm. Ông không bán thì bị ông L. dọa nạt.
Cũng theo chủ tàu này, các đối tượng trên thường xuyên chặn tàu, thuyền của ngư dân về cảng Vạn Giã ngay đường kênh chính ở Hòn Gà – Ba Đảo để hỏi mua lại. Khu vực này nằm giữa Hòn Săng và Hòn Lớn – cửa thông từ cảng Đầm Môn đến cảng Vạn Giã. Do đó, nhóm của L. thường xuyên túc trực ở đây với vài ca-nô, tàu thu mua. Phần đông tàu đi mua tôm ở Bãi Lớn, Bãi Tranh (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh)… đều phải đi qua “chốt chặn” này.
“Chúng tôi nói đây là bè của anh em trong gia đình nhưng mấy người kia nói có tôm ngạt đi nữa cũng không được mua, nếu không sẽ bị đánh. Bè tôm của nhà mình mà khi đưa tôm vào bờ phải thậm thụt, giấu giếm như kiểu đi ăn trộm vậy” – chủ tàu bị đe dọa nói.
Sau khi mua tôm, nhóm của L. tập kết tôm về khu vực cạnh cảng Đầm Môn để đem đi tiêu thụ
Bị ép vào đường cùng
Đối với trường hợp ông Reo, ngay sau khi bị đánh (ngày 14-5), ông vào Bệnh viện huyện Vạn Ninh khám và được yêu cầu nhập viện. Sau đó, ông Reo đến trình báo Công an huyện Vạn Ninh nhưng người trực ban yêu cầu làm đơn nộp cho Công an xã Vạn Thạnh. Đến ngày 16-5, ông đã nộp đơn cho các cơ quan chức năng từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Trong đơn, ông Reo tố cáo: “Những hành động của ông L. và nhóm người không khác gì những tên cướp biển, luôn quấy nhiễu, dọa nạt bà con làm ăn lương thiện trên biển. Tôi và mọi người rất hoang mang, lo lắng cho kế sinh nhai của mình… Tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng xã hội đen hoạt động mua bán trá hình, ức hiếp dân lương thiện, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng người khác, tự đặt cho mình quyền kiểm soát, bá chủ, độc quyền, đánh đập bất kỳ ai trên địa bàn huyện Vạn Ninh cũng như trên vùng biển vốn bình yên của quê hương”.
Ông Reo còn viết: “Trước mắt, để bảo đảm quyền được sống, quyền tự do hoạt động bình thường của chúng tôi, tránh bị thế lực đen phá hoại tài sản của tôi trên biển và tính mạng chúng tôi, chúng tôi xin phép được tự vệ”. Ông Reo bảo ông bức xúc như vậy là vì bị ép vào đường cùng.
Sau khi nhập vai, thu thập chứng cứ, chúng tôi mang theo đơn ông Reo gửi Báo Người Lao Động đến UBND huyện Vạn Ninh, đề nghị có hướng xử lý. Đến ngày 31-5, UBND huyện Vạn Ninh đã có văn bản yêu cầu Công an huyện này tham mưu trả lời.
Mãi đến chiều 7-6, tức 20 ngày sau, ông Phan Xuân Reo mới được Công an huyện mời lên làm việc. Ông Reo cho biết đã trình bày toàn bộ sự việc. Sau đó, Công an huyện Vạn Ninh yêu cầu ông lấy giấy khám chấn thương và có hỏi về yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trước đó, ngày 30-5, một người tên P. đến tận nhà ông Reo để xin lỗi, xin được bồi thường sự việc đánh người. Sau đó, một người tự xưng tên L. gọi điện xin lỗi ông Reo. Ông Reo yêu cầu phải lên Công an huyện làm việc, ghi biên bản cam kết không được đụng đến ông nữa. Trong băng ghi âm do ông Reo cung cấp, người tên L. nói: “Bữa ấy cũng bực quá. Giá cả lên. Lỡ rồi thôi nghen. Tức thì chọt vậy thôi chứ cố đánh thì khác rồi. Anh em “ấy” rồi, tui xin lỗi một tiếng. Lên xuống công an phiền lắm. Để tui nói ông tiếng, ông rút đơn cho rồi”.
Để làm rõ nội dung mà ngư dân phản ánh, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại để hẹn làm việc với ông Nguyễn Bá L. nhưng không nhận được phản hồi.
Địa phương “đang nắm tình hình” (!)
Liên quan đến giải quyết đơn thư cầu cứu của ngư dân, ngày 13-6, ông Đàm Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, đã có văn bản trả lời Báo Người Lao Động.
Về việc ngư dân phản ánh một số đối tượng dùng tàu, ca-nô đi dọc vịnh Vân Phong từ Vạn Giã đến Đầm Môn mua tôm hùm giá rẻ, nếu không bán sẽ bị chửi bới, hành hung, văn bản của UBND huyện nêu rõ: Vụ việc báo nêu, địa phương đã nắm tình hình vào đầu tháng 4-2023, đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Địa phương đang tiếp tục theo dõi, giải quyết các vấn đề có liên quan, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-6