Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vẫn duy trì an toàn, ổn định. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất, cung ứng các sản phẩm chủ lực như khí, điện, xăng dầu của Petrovietnam có đà tăng trưởng ấn tượng, qua đó góp phần giảm áp lực cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đóng góp quan trọng cho ngân sách.
Sản xuất điện tăng mạnh, doanh thu vượt 20% kế hoạch
Trong tháng 5, giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tiếp tục giảm, tác động đến hiệu quả SXKD của Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên. Giá dầu thô trung bình tháng 5-2023 giảm 11% so với trung bình tháng 4 và giảm 7% so với trung bình quý I-2023, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Biên độ lợi nhuận lọc dầu, giá khí, giá phân bón, xăng dầu… đều giảm.
Trong bối cảnh đó, với nỗ lực gia tăng sản xuất để phần nào bù đắp thiệt hại từ biến động giảm giá năng lượng, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức cao kế hoạch SXKD; góp phần cung ứng các mặt hàng chiến lược: Khí, điện, đạm, xăng dầu… cho nền kinh tế. Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, đặc biệt, trong tháng 5 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô tháng 5-2023 đạt 0,92 triệu tấn, vượt 15,6% kế hoạch tháng; tính chung 5 tháng đạt 4,41 triệu tấn, vượt 13,8% kế hoạch 5 tháng. Thêm tin vui với Petrovietnam là đầu tháng 6 vừa qua, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã thử vỉa giếng khoan Đại Hùng Nam-4X cho kết quả thử vỉa rất khả quan. Kết quả thử vỉa vào lúc 12 giờ 20 phút ngày 8-6 cho thấy, giếng có biểu hiện dầu khí tốt với lưu lượng thử tối đa đạt mức khoảng 6.350 thùng dầu/ngày và 4,5 triệu bộ khối khí/ngày. Với lưu lượng như vậy, khẳng định tiềm năng của khu vực Đại Hùng Nam là đủ thương mại và sẵn sàng đưa vào khai thác. Đây cũng là tiền đề để PVEP tiếp tục phát triển khai thác khu vực lô 05.1(a) cũng như các lô khác ở khu vực bể Nam Côn Sơn, đóng góp vào sản lượng khai thác dầu khí của Petrovietnam trong thời gian tới.
Công trình khai thác dầu khí trên biển của Petrovietnam. |
Sản lượng khai thác khí tháng 5 của Petrovietnam đạt 0,75 tỷ mét khối, vượt 27,6% kế hoạch tháng; tính chung 5 tháng đạt 3,44 tỷ mét khối, vượt 21,8% kế hoạch 5 tháng. Sản lượng khí trung bình ngày khai thác tháng 5 cũng là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sản xuất đạm tháng 5 đạt 158,4 nghìn tấn, vượt 5,5% kế hoạch tháng; tính chung 5 tháng đạt 719,5 nghìn tấn, vượt 11,1% kế hoạch 5 tháng. Sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) tháng 5-2023 đạt 570,2 nghìn tấn, vượt 14,4% kế hoạch tháng 5; tính chung 5 tháng đạt 2,92 triệu tấn, vượt 13,3% kế hoạch 5 tháng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng thiếu điện cho sản xuất và đời sống, nhất là trong tháng 5 vừa qua, Petrovietnam đã nỗ lực cung cấp tối đa nhiên liệu cho sản xuất điện, tối ưu vận hành các nhà máy điện của Tập đoàn để gia tăng cung ứng cho hệ thống, góp phần giảm áp lực cung ứng điện. Sản xuất điện tháng 5-2023 của toàn Tập đoàn đạt 2,36 tỷ kWh, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung 5 tháng đạt 10,12 tỷ kWh, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.
Với nỗ lực sản xuất ở nhịp độ cao, các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam trong 5 tháng đầu năm cũng vượt cao so với kế hoạch, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 334 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 5 tháng. Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn (không bao gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) ước đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch 5 tháng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch 5 tháng và bằng 63% kế hoạch năm 2023.
Gắn mục tiêu của doanh nghiệp với mục tiêu chung của đất nước
Chia sẻ về kế hoạch của Petrovietnam trong thời gian tới, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, thực hiện kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, toàn Tập đoàn phải cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch quản trị đặt ra, để phần nào bù đắp cho khó khăn của nền kinh tế. Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai dự án khí lô B-Ô Môn, cũng như các dự án thành phần trong chuỗi để bảo đảm cho các mục tiêu tiến độ của dự án rất quan trọng này.
Nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất cần đến vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước phải gắn với mục tiêu chung của đất nước. Theo đó, thời gian tới, toàn Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần rà soát, câp nhật các mục tiêu, phân bổ chỉ tiêu cho triển khai kế hoạch trong các tháng tiếp theo; triển khai kế hoạch SXKD, quản trị để bảo đảm duy trì và tăng trưởng sản lượng sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực tìm kiếm-thăm dò-khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện. Cùng với đó, rà soát công tác đầu tư, quản trị danh mục đầu tư, tạo sự chuyển biến, nâng cao tỷ trọng giải ngân vốn đầu tư; tập trung triển khai, thúc đẩy các dự án lớn, trọng điểm như: Lô B-Ô Môn; nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4… bảo đảm cân đối nguồn vốn và dòng tiền cho các dự án…
Bài và ảnh: AN SƠN