17/06/2023 06:01
Thời gian qua, tỉnh ta đẩy mạnh công tác kiểm kê, phục dựng các di sản văn hóa và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, nghiên cứu và phát triển văn hóa trên địa bàn.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể như di tích, hiện vật bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) như các truyền thống truyền khẩu, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, nghi thức, lễ hội, các tập tục, tri thức, kỹ thuật chế tác các sản phẩm truyền thống. Các loại hình văn hóa này chứa đựng rất nhiều giá trị đặc sắc; vì vậy cần đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm kê phục dựng để phục vụ phát triển văn hóa- nguồn lực “nội sinh” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội”.
Nghệ nhân A Ương (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Sở trường của tôi là hát dân ca truyền thống kết hợp chơi nhạc cụ bằng tre nứa. Tôi được truyền nghề từ cha, mẹ và đến giờ cố gắng lưu giữ và dạy lại cho lớp trẻ trong làng. Tôi rất vui vì cán bộ văn hóa đến phỏng vấn và kiểm kê loại hình nghệ thuật này để đưa vào hồ sơ lưu trữ về di sản văn hóa. Như thế sẽ giúp những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Xơ Đăng chúng tôi không những không bị mai một mà còn được gìn giữ, lưu truyền, lan tỏa trong cộng đồng để mọi người biết đến hơn”.
|
Theo bà Đậu Ngọc Hoài Thu- Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Sau mỗi quá trình kiểm kê phân loại sẽ lựa chọn loại hình VHPVT tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản VHPVT cấp quốc gia, đặc biệt là những loại hình có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Đến nay, nhiều loại hình văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn được kiểm kê, lập hồ sơ lưu trữ đầy đủ. Đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Ngoài ra, toàn tỉnh có 434 nhà rông truyền thống được phục dựng, các làng đồng bào DTTS đều có cồng chiêng, nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng”.
Đối với các loại hình di sản văn hóa vật thể, tỉnh ta đầu tư nhiều nguồn lực để tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử- văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho lưu giữ hiện vật của bảo tàng tỉnh; kiểm kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm.
Hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với huyện Đăk Tô và các đơn vị liên quan triển khai dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025 với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Hiện, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã kịp thời triển khai, đề ra phương án tu bổ, tôn tạo các di tích đảm bảo chất lượng.
Ông Phan Văn Hoàng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, công tác kiểm kê, phục dựng các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đặc biệt, đối với lĩnh vực DSVHPVT, nhiều di sản văn hóa truyền thống đang bị mai một và không có lớp trẻ kế thừa; nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các DTTS còn hạn chế, các nguồn lực huy động từ xã hội hóa còn rất thấp.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê, phục dựng các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực di sản VHPVT, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục sử dụng công cụ chính sách để tác động vào các công đoạn, quy trình trong quá trình sáng tạo của nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác kiểm kê, lập hồ sơ về các di sản văn hóa cho cán bộ cơ sở; đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hoàng Thanh