Trong đó, các doanh nghiệp (DN) tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại với mức giảm giá hấp dẫn, có thể lên đến 100% giá trị hàng hóa.
Giảm giá từ du lịch đến hàng hiệu
Thay vì chỉ kéo dài 1 tháng như thông lệ các năm trước, nay chương trình khuyến mại tập trung của TP.HCM “Shopping Season 2023” kéo dài đến 3 tháng. Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, phụ trách Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công thương TP.HCM), do tình hình sản xuất – kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn nên việc kéo dài chương trình khuyến mại nhằm mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng, làm gia tăng sức mua để hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sản xuất. Khác với mọi năm, chương trình khuyến mại tập trung 2023 sẽ chia làm 2 đợt.
Do thời gian kéo dài, chương trình sẽ có những điểm nhấn để hoạt động khuyến mại đi vào thực chất, từng bước xây dựng thương hiệu mua sắm cho TP.HCM. Cụ thể, chương trình sẽ chia làm 3 phân kỳ. Từ 15.6 – 15.7 phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ triển khai tháng thanh toán không tiền mặt. Trong đó, Sở Công thương sẽ cùng các DN thanh toán, ngân hàng tạo ra các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng khi thanh toán không tiền mặt. Sau đó, từ 15.7 – 15.8, Sở Công thương phối hợp cùng Sở Du lịch thực hiện chương trình kích cầu du lịch, lễ hội du lịch sông nước.
Trong đó, sẽ xây dựng các tour du lịch với sự tham gia từ các công ty lữ hành đến khách sạn, nhà hàng, hệ thống phân phối và cả các đơn vị thanh toán không tiền mặt theo mục tiêu cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Chẳng hạn các đơn vị lữ hành có thể xây dựng chương trình du lịch cho học sinh – sinh viên trong mùa hè có kèm phụ huynh. Trong chương trình có tham quan mua sắm ở một trung tâm thương mại nào đó thì sẽ được tặng thêm voucher giảm giá. Nếu phụ huynh khi mua sắm thanh toán không tiền mặt thì sẽ được khuyến mại giảm giá thêm nhiều hơn so với trả tiền mặt…
Tổng cục Thống kê công bố tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 12,6%. Đây là mức tăng khá nhưng do chỉ số giảm phát tăng 3,9% nên tốc độ tăng theo giá so sánh chỉ đạt 8,3%, bằng với mức tăng của năm 2018. Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, trong đó mức tăng chủ yếu ở dịch vụ du lịch chứ không phải tập trung ở bán lẻ. Bởi lượng khách quốc tế đến VN 5 tháng đầu năm 2023 gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượng khách du lịch nội địa cũng tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022…
Sau cùng, từ 15.8 – 15.9, thành phố sẽ có chương trình siêu khuyến mại áp dụng đối với nhóm sản phẩm hàng hiệu như thời trang, mỹ phẩm, đồ trang sức…Việc kéo dài thời gian khuyến mại lên 3 tháng đồng nghĩa “bao trùm” cả chương trình kích cầu du lịch thường được TP.HCM tổ chức vào đầu tháng 9 thông qua hội chợ du lịch quốc tế. Thay vì trước đây Sở Công thương tổ chức khuyến mại trong vòng 1 tháng thì sau đó Sở Du lịch lại tổ chức riêng…
“Ngoài việc kéo dài thời gian khuyến mại lên 3 tháng liên tục, đây là lần đầu tiên thành phố kích cầu đối với hàng hiệu, hàng cao cấp để kích thích sức mua ở phân khúc khách hàng có thu nhập cao trong nước đồng thời thu hút khách du lịch. Khi đó ngành du lịch cũng có thể tiếp tục xây dựng các tour, tuyến để khách từ miền Bắc, miền Trung cũng có thể đến thành phố để mua sắm. Thương mại và du lịch là 2 ngành quan trọng của thành phố nên cần phải đi chung với nhau để tạo ra hiệu ứng cao hơn. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền và vận động DN tham gia thông qua các sở, ngành, hiệp hội, hội ngành nghề”, ông Nguyễn Khắc Hiếu chia sẻ thêm.
Giảm giá trực tiếp, thực chất sẽ thu hút được khách hàng
Là đơn vị đã nhiều năm luôn đồng hành cùng chương trình khuyến mại tập trung của TP.HCM, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra thuộc Saigon Co.op cũng công bố chương trình “Lễ hội mùa hè – Deal xịn quà xinh”. Cụ thể, hàng ngàn sản phẩm tại các siêu thị này sẽ có mức giảm lên đến 60%. Từ thực phẩm tươi sống đến nhóm sản phẩm công nghệ, đồ dùng và may mặc đều được giảm giá. Song song đó, Saigon Co.op phối hợp cùng ví điện tử VN Pay, VP bank và Visa triển khai nhiều hoạt động săn mã khuyến mại từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng cho đơn hàng từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng, chạm thanh toán hoàn tiền ngay…
Đại diện Saigon Co.op cho biết trong bối cảnh tình hình khó khăn, tiêu dùng sụt giảm, việc giảm giá trực tiếp cho khách hàng vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để kích thích sức mua. Không chỉ sản phẩm thiết yếu mà các mặt hàng gia dụng, thời trang khi được giảm giá đến 40 – 50% cũng thúc đẩy sức mua tăng hơn ngày thường. Theo ước tính chung của hệ thống này sau một số đợt khuyến mại gần đây thì sức mua có thể tăng được từ 20 – 30% so với thông thường. Quan trọng nhất là cần khuyến mại thực chất, số lượng hàng hóa được giảm giá phải phong phú, đa dạng. Tùy vào đặc tính của nhóm sản phẩm sẽ có các chương trình khuyến mại phù hợp nhưng giảm giá trực tiếp vẫn được khách hàng ưa chuộng nhất.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, cái khó nhất hiện nay là tổ chức khuyến mại, nếu không thực chất sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, đơn vị này sẽ có những giải pháp bảo đảm cho hoạt động này đi vào thực chất thông qua việc phối hợp với các sở, ngành và tính toán có sự chia sẻ, tham gia đồng lòng của tất cả chủ thể trong một chuỗi liên kết chung.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định chương trình kích cầu cần được khuyến khích và nên mở rộng trên phạm vi cả nước để tạo được sự lan tỏa kích thích mạnh hơn. Để kích thích tiêu dùng thì hàng hóa phải được giảm giá thật sự, công khai niêm yết giá trước giảm và sau khi giảm. Chất lượng hàng hóa được khuyến mại phải đảm bảo, không đưa hàng cận date hay hết date trộn lẫn khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Hay kiểu cửa hàng treo bảng giảm giá đến 70% nhưng khách bước vô chỉ lèo tèo 2-3 món hết size là được giảm, còn những sản phẩm khác vẫn giữ nguyên thì bản chất đây không phải là khuyến mại mà chỉ làm cho có, tượng trưng. Điều đó sẽ khiến khách hàng chán nản, không quay lại và cũng không tin vào chương trình khuyến mại tập trung của thành phố. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều gia đình bị giảm mạnh do DN, nhà máy cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm thì nên khuyến khích giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân.
“Cả nước có hơn 1.000 siêu thị, 200 trung tâm thương mại và trên 4.000 cửa hàng tự chọn, siêu thị mini thì nên khuyến khích thực hiện giảm giá đồng loạt để tạo nên sự hấp dẫn, thu hút được DN lẫn khách hàng tham gia. Trong giai đoạn hiện nay, việc giảm giá nếu được thực hiện thật sự có chất lượng thì cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Các nhóm hàng quần áo, giày dép cũng hy vọng sẽ bán được nhiều hơn dù không kỳ vọng có mức tăng mạnh như trước đây. Ví dụ nhờ giảm giá khuyến mại, nhóm hàng thực phẩm có thể tăng thêm được 10 – 15% thì hàng thời trang, mỹ phẩm, nội thất… cũng có thể tăng thêm 2 – 3% thay vì đi xuống. Hãy khuyến mại như khuyến mại cho người thân của mình thì khách hàng sẽ tin tưởng và bỏ tiền ra mua sắm”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.