Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông (bìa phải) thăm trại nuôi gia súc của gia đình anh Mãi – chị Ni
Bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cho biết, gần đây, những người chăn nuôi bò vàng gặp khó khăn do giá bò giảm mạnh, đầu ra khó khăn, lãi ít- thậm chí có người còn bị lỗ. Vì vậy, một bộ phận nông dân chuyển qua nuôi dê có hiệu quả hơn.
Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 15 hộ nuôi dê, với tổng đàn khoảng 300 con. Hội Nông dân xã liên kết Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn giải quyết việc làm. Ngoài những hộ chuyên nuôi dê, có hộ kết hợp nuôi dê, nuôi dế, có hộ kết hợp nuôi dê và nuôi heo rừng lai.
Nuôi dê kết hợp nuôi dế
Ở ấp Suối Cao A, xã Phước Đông có một hộ dân vừa nuôi dê vừa nuôi dế có thu nhập khá, cuộc sống gia đình ổn định. Đó là gia đình anh Ngô Quang Trung (sinh năm 1969). Anh Trung cho biết, gia đình anh có ruộng đất ít, hằng ngày phải đi làm thuê kiếm sống.
Cách đây hơn 4 năm, anh Trung thấy ở địa phương có một số hộ nuôi dê có thu nhập khá. Nhà có khoảnh đất trống phía sau, anh làm chuồng, mua dê về nuôi. Lúc đầu, do ít vốn, anh chỉ mua được 4 con dê cái giống. Sau đó, Hội Nông dân xã xem xét giới thiệu tạo điều kiện cho gia đình anh vay một khoản tiền vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh mở rộng quy mô chăn nuôi.
Để có thức ăn cho dê, ngoài một công đất nhà (1.000m2) trồng cỏ voi, hằng ngày anh liên hệ với các lái mì và theo họ nhổ mì phụ, rồi xin thân cây và lá mì chở về cho dê ăn. Anh Trung cho biết, trước đây anh cũng từng nuôi bò vàng, nếu so với nuôi bò thì nuôi dê khoẻ hơn mà thu nhập cao.
Nuôi dê dễ tìm thức ăn, chuồng dê phải làm sàn cao và che kín gió vào ban đêm. Thức ăn cho dê phải khô ráo, tránh ẩm ướt. Cây mì chặt lấy đoạn có lá xanh phơi cho ráo mới cho dê ăn. Ngoài ra, dê còn ăn lá mít và các loại lá cây khác. Chỉ khi nào mưa gió, không đi tìm được thức ăn cho dê, anh Trung mới cắt cỏ voi nhà trồng cho dê ăn. Riêng đối với dê đang đẻ và cho con bú thì anh cho ăn giặm thêm thức ăn công nghiệp.
Anh Trung cho biết thêm, dê cái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con. Dê con nuôi từ 3 tháng đến 3 tháng rưỡi thì bán dê giống (loại từ 19kg trở xuống) 120.000 đồng/kg. Còn dê thịt (nuôi khoảng 7 tháng trở lên) 90.000 đồng/kg.
Từ trước đến nay, dê thịt rất dễ tiêu thụ. Ngoài bán dê con, dê thịt, phân dê ủ hoai rồi bán cho những người trồng trọt cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi. Chỉ tính riêng trong năm 2022, gia đình anh Trung có thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ tiền bán dê. Hiện nay, anh Trung còn nuôi hơn 10 con dê cái, một dê đực và khoảng 30 con dê con.
Qua học tập kinh nghiệm bạn bè, anh Trung thấy nuôi dế cũng dễ, đem lại thu nhập khá, thức ăn chính của dế là lá mì và thức ăn công nghiệp như dê nên anh đầu tư nuôi thêm dế. Cách đây 5 tháng, anh liên hệ với một cơ sở cung cấp trứng dế và nhận thu mua lại dế thương phẩm giá 40.000 đồng/kg.
Lúc đầu anh làm 8 ô nuôi dế loại nhỏ (1m x 2m) nuôi thử nghiệm. Thấy nuôi dế có kết quả, anh mở rộng lên 11 ô nhỏ và 3 ô lớn (1,4m x 4m). Từ lúc bắt đầu nuôi dế đến nay, anh Trung đã thu hoạch được 5 đợt, có nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Có cơ sở bao tiêu sản phẩm, nên anh an tâm trong việc nuôi dế.
Anh Mãi chăm sóc bò.
Nuôi bò vàng, heo rừng lai và dê
Trại nuôi gia súc của gia đình anh Nguyễn Văn Mãi (49 tuổi, ấp Cây Trắc) giữa đồng ruộng, xa khu dân cư và cách nhà khoảng 2 cây số. Gọi trại nuôi gia súc, vì gia đình anh đang nuôi cùng lúc ba loại vật nuôi gồm: bò vàng, heo rừng lai và dê.
Anh Mãi cho biết, lúc mới ra riêng, gia đình anh được cha mẹ chia cho 30 cao ruộng (3.000m2) để sạ lúa. Tuy ruộng gần kênh thuỷ lợi nội đồng, thuận tiện cho việc lấy nước vào mùa nắng, nhưng năng suất không cao, diện tích ít, nên thu nhập hằng năm của gia đình chẳng được bao nhiêu.
Từ đó, anh quyết định chuyển hướng sang trồng cỏ nuôi bò sinh sản. Anh được Hội Nông dân xã giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội xét duyệt cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm 70 triệu đồng. Có nguồn vay ưu đãi, anh Mãi tìm 4 con bò cái sinh sản. Không có đất đồng chăn thả bò, anh chỉ nuôi nhốt trong chuồng.
Những năm trước, bò bán được giá cao, có thu nhập khá, có vốn tích luỹ. Anh mua thêm 20 cao ruộng cặp bờ kênh nội đồng, anh mở rộng trại nuôi bò, hiện nay, anh duy trì đàn bò 18 con, có 5 con bò đực lớn chuẩn bị xuất chuồng, vài con bê, còn lại bò cái đang thời kỳ sinh sản.
Ngoài nuôi và phát triển đàn bò, để mở rộng hơn trại chăn nuôi và đa dạng hoá vật nuôi, anh Mãi tìm hiểu về đặc tính và cách nuôi heo rừng lai. Lúc đầu anh mua 2 con heo rừng lai trưởng thành chuẩn bị vào chu kỳ sinh sản, với giá 5 triệu đồng/con.
Thức ăn cho heo là cỏ, cám gạo, xác mì (anh không cho heo ăn thức ăn công nghiệp). Vì vậy, chi phí thức ăn cho heo thấp. Trong chuồng heo của anh có lúc lên cả trăm con, vừa heo mẹ, vừa heo thịt và nhiều nhất là heo con. Anh Mãi cho biết thêm, hiện nay một con heo rừng lai nhỏ (nuôi vài tháng) bán con giống cho người chăn nuôi giá 1 triệu đồng/con.
Còn heo thịt bán từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg. Một con heo rừng lai lớn tối đa khoảng 30kg đến 40kg. Heo rừng lai rất dễ bán. Dễ nuôi, vốn đầu tư ít, nên nuôi heo rừng lai cũng có thu nhập cao. Hiện nay, đàn heo rừng của anh Mãi có 6 con heo nái, hơn 30 con heo lứa và heo con.
Gia đình anh Mãi còn nuôi thêm dê, năm 2020, anh mua 4 con dê với giá 5 triệu đồng/con. Khác với anh Trung, anh Mãi không phải đi tìm lá mì cho dê ăn, mà cho dê ăn cỏ giống bò và heo rừng. Ngoài ra, anh cho dê ăn rơm ủ như bò và ăn xác mì như heo rừng lai. Vì vậy, công chăm sóc và chi phí thấp. Hiện nay, trong chuồng nhà anh Mãi có gần 20 con dê. Thu nhập bình quân từ trại nuôi gia súc của gia đình anh Mãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông Tô Cẩm Dung cho biết thêm, Hội Nông dân luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý, phù hợp với thực trạng ở địa phương, trong đó có nghề chăn nuôi dê. Hội liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi.
Hướng tới, Hội sẽ liên hệ và phối hợp với ngành chức năng mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, giúp hội viên trang bị kiến thức cơ bản về chăn nuôi dê. Đồng thời, Hội quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có điều kiện đa dạng hoá vật nuôi, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
D.H