Nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo không lấy phiếu tín nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong các ngày 30/5 và 9/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Đã có 123 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu, cơ bản các ĐBQH đều tán thành sự cần thiết và đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết.
Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Nghị quyết số 85 đảm bảo thống nhất, kịp thời thể chế hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND), nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, ông Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu thống nhất tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH.
Đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.
“Đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn trên cơ sở thực hiện chế độ, chính sách trong công tác cán bộ. Trong đó, có tiêu chuẩn về sức khỏe đối với cán bộ lãnh đạo nên cần có quy định phù hợp để điều chỉnh”, ông Tùng cho hay.
Về các nội dung cụ thể như tiêu chí xác định bệnh hiểm nghèo, cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận,… là các vấn đề chuyên môn, cần thực hiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp cần thiết, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, ông Tùng cho biết, được tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND chỉ xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm theo danh sách dự kiến chuẩn bị báo cáo.
Tại kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND sẽ trình Quốc hội, HĐND quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quy định như vậy vừa có sự kế thừa, bổ sung so với Nghị quyết số 85, vừa xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, HĐND và cơ quan thường trực của Quốc hội, HĐND.
Có ý kiến đề nghị chỉnh lý theo hướng người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm báo cáo giải trình về những nội dung được nêu trong báo cáo tổng hợp, tập hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các báo cáo này phải được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu thống nhất tiếp thu các ý kiến nêu trên và chỉnh lý quy định tại Điều 10 và Điều 11 của dự thảo Nghị quyết theo hướng khi nhận được báo cáo tổng hợp, tập hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và người được lấy phiếu tín nhiệm.
Chậm nhất là 3 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp, tập hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND và đại biểu có yêu cầu.
Thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu cho biết, các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ, đúng tinh thần của Quy định số 96 về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết này không quy định quá chi tiết về tất cả các trường hợp và thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước.
Có ý kiến đề nghị rà soát, quy định rõ trường hợp một người giữ nhiều chức vụ nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm thì một chức vụ đạt mức tín nhiệm cao, chức vụ khác lại đạt mức tín nhiệm khác thì sẽ sử dụng kết quả nào để làm căn cứ cho việc thực hiện các bước tiếp theo.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý các quy định về trường hợp lấy phiếu tín nhiệm đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để có quy định về hệ quả cho phù hợp.
Theo đó, trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ đó.
Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần đối với nhiều chức vụ mà có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.
Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần đối với nhiều chức vụ mà có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đó.