Thời gian qua, viết bài cộng tác với báo Bình Thuận, tôi thường tìm đọc tư liệu về nghề báo để bồi đắp kiến thức cho mình. Tập sách “Hỏi – Đáp Báo chí Việt Nam” của tác giả, nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc, Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản nhiều năm trước đây, là một trong những cuốn tôi thường lần mở.
Đôi phần nội dung của tập sách
Đọc “Hỏi – Đáp Báo chí Việt Nam”, bạn đọc sẽ được đón nhận một lượng thông tin phong phú, tập trung vào nghề báo, những nhà báo, một số sự kiện trong đời sống báo chí ở Việt Nam tính từ năm 1861, 1865 đến những năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, có không ít những thông tin thú vị, hấp dẫn, dù thời gian xảy ra các sự kiện cách đây đã nhiều năm. Tập sách được biên soạn dưới dạng “Hỏi – Đáp”. Đã có 80 câu hỏi và phần trả lời tương ứng, cùng bản Biên niên sử Báo chí Việt Nam, tính từ năm 1861 đến năm 2001.
82 bức ảnh gắn liền với phần nội dung tập sách, gồm ảnh những trang báo, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946 khi Người giải thích Tạm ước 14/9/1946 tại Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 22/10/1946, một số bức ký họa Bác Hồ trong kháng chiến, cùng ảnh của những nhà báo nổi tiếng của một thời, cả trong Nam ngoài Bắc.
Giữa rất nhiều những thông tin về nghề báo, nhà báo, những sự kiện được đề cập trong tập sách, người viết xin được nêu một số nội dung đã được tập sách mang lại:
1. Tờ báo đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là tờ Le Bulletin officiel de L’expedition de la Cochinchine (Nam kỳ viễn chinh công báo), bằng tiếng Pháp, số 1 ra ngày 29/9/1861 tại Sài Gòn do Thống đốc Nam kỳ cho xuất bản, phát hành hàng tuần.
Năm 1865 sự xuất hiện của tờ Gia Định báo là cột mốc đầu tiên của báo chí Quốc ngữ Việt Nam. Với tờ báo này, phải kể đến vai trò tiên phong của Trương Vĩnh Ký và các cộng sự của ông.
2.
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, biên soạn tài liệu và mở lớp đào tạo thanh niên. Người đã ra tờ báo Thanh Niên – số đầu tiên ra ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo vô sản đầu tiên và mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam, in ấn ở nước ngoài nhưng vẫn được bí mật lưu hành trong nước. Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52/QĐ-TW lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Đến ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
3. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo, cả khi Người bôn ba ở nước ngoài, lẫn khi về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong thư gởi các học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng trong kháng chiến chống Pháp, năm 1949, Bác Hồ đã viết những lời dặn dò như sau: “Muốn viết báo khá thì cần: a/ Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. b/ Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người ta. c/ Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận…d/ Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”.
4. Về những nhân vật để lại những dấu ấn trong nghề báo, các sách nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam đã đánh giá cao về nhà báo Hoàng Tích Chu, quê Bắc Ninh, người đã từng sang Pháp du học về nghề làm báo. “Hoàng Tích Chu là một trong những người đầu tiên viết văn mới và cách tân báo chí cho hòa nhập với yêu cầu của cuộc sống mới lúc bấy giờ. Những đóng góp của ông không thể phai mờ trong lịch sử phát triển báo chí Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX”.
5. Chiều ngày 13/9/1945, tại Bắc bộ phủ, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Tường Phượng – Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, đã thực hiện bài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Nội dung bài phỏng vấn ấy được đăng trên báo Tri Tân số 205 ra ngày 20/9/1945.
6. Báo Xuân từ lâu đã là ấn phẩm độc đáo của làng báo Việt Nam. Tập sách đã cung cấp cho bạn đọc thông tin: “Năm 1918, Báo Nam Phong có ra thêm một số Xuân in toàn thơ văn có giá trị,…, ngoài bìa ghi “Số Tết 1918”. Đó là tờ báo Xuân đầu tiên của làng báo Việt Nam”.
7. Tập sách cũng đem lại thông tin: “Nữ chủ bút đầu tiên trong làng báo Việt Nam là bà Sương Nguyệt Anh, con cụ Nguyễn Đình Chiểu và cụ bà Lê Thị Điền. Bà sinh ngày 8/3/1864 tại Ba Tri, Bến Tre”. “Cuối năm 1917 bà được mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” có nghĩa là “Tiếng chuông của nữ giới” – đây là tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam, do một phụ nữ tài danh điều hành”.
8. Nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên hiệp quốc là nhà báo Khuông Việt, tên thật Lý Vĩnh Khuông, sinh năm 1912, mất năm 1978, quê ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1944, khi Hội Quốc Ngữ Nam kỳ thành lập, ông được cử làm Tổng Thư ký. Năm 1948, Khuông Việt được liên đoàn SFIO cử sang Pháp với tư cách đại biểu dự Đại hội lần thứ 40 Đảng Xã hội Pháp từ ngày 1 – 4/7/1948 tại Paris. Với vai trò là một nhà báo chuyên nghiệp, ông đã nghĩ đến việc “săn tin” khi đến Paris, theo dõi khóa họp thường kỳ của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc… Khuông Việt đã trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên hiệp quốc.
10. Phần “Biên niên sử Báo chí Việt Nam” gồm 168 sự kiện trải theo các cột mốc thời gian, từ 1861 đến 2001, 140 năm. Có rất nhiều sự kiện đáng nhớ trong các hoạt động báo chí ở nước ta ở cả hai miền Nam- Bắc.
Người viết xin được trích một vài sự kiện ở Mục Biên niên sử này:
– Tháng 1/1957, ở Sài Gòn, tờ Bách khoa do Huỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, về sau Lê Ngộ Châu làm chủ nhiệm. Đây là tạp chí có tuổi thọ nhất trong làng báo miền Nam. Báo đình bản tháng 4/1975.
– Ngày 8/9/1962: Hội của những người viết báo chính thức mang tên Hội Nhà báo Việt Nam cho đến nay.
– Ngày 21/6/2000: Báo Nhân dân điện tử chính thức phát hành trên mạng Internet. Đây là tờ nhật báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
Cùng rất nhiều những sự kiện khác.
Những nghĩ suy đọng lại
80 câu Hỏi – Đáp cùng Biên niên sử Báo chí Việt Nam đã giúp độc giả phần nào có những thông tin vắn tắt nhất về tình hình hoạt động báo chí, cùng một đôi nét về những nhà báo nổi tiếng ở cả hai miền Nam – Bắc, tính từ năm 1861, 1865 đến những năm đầu của thế kỷ XXI. Nhà Xuất bản Trẻ đã có nhận định: “Không thể tách rời tiến trình phát triển báo chí ra ngoài tổng thể chung của lịch sử nước nhà. Chính không khí chính trị của từng thời kỳ lịch sử đã tác động đến báo chí và ngược lại. Khi nước nhà còn chìm đắm trong nanh vuốt của thực dân, đế quốc, dù không có tự do báo chí, nhưng các nhà báo của chúng ta vẫn tìm mọi cách để nói cho được nguyện vọng của dân tộc”.
Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đọc tập sách “Hỏi – Đáp Báo chí Việt Nam” của tác giả, nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc, bạn đọc được biết thêm những thông tin bổ ích, lý thú về nghề báo, về những nhà báo thuộc thế hệ trước và gần đây, hiểu phần nào những vất vả, nhọc nhằn của nghề báo, của những nhà báo.
Là một người viết báo nghiệp dư, đọc tập sách lần này, tôi nghĩ nhiều về những điều Bác Hồ đã dặn trong việc viết báo. Tôi chú tâm tìm đề tài mới, tìm những nguồn tư liệu mới, luôn giữ tính chính xác trong những vấn đề, nội dung đưa vào bài viết của mình. Tôi luôn dặn lòng mình: luôn đầu tư, ngày một chăm chút hơn cho những trang viết của mình, sao cho các bài viết càng ngày càng gọn gàng hơn, rõ ý hơn, phù hợp hơn ở những câu chữ thể hiện, nội dung ngày một tốt hơn, hy vọng phần nào đó có ích đối với độc giả.