Bộ trưởng Đức phủ nhận việc Ukraine sớm vào NATO, Trung Quốc nói về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, … là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tại Seoul ngày 16/6. (Nguồn: ASEAN.org) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga sẵn sàng thảo luận về giải pháp cho xung đột Ukraine: Ngày 16/6, RIA (Nga) dẫn lời Điện Kremlin khẳng định Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ liên lạc nào để thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.
Trong khi đó, TASS (Nga) dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết, xứ bạch dương đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh “chưa từng có” tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St Petersburg, nơi ông Putin sẽ có bài phát biểu ngày 16/6. Theo ông Peskov, các biện pháp này là cần thiết vì “đối thủ hành động trắng trợn”.
Trước đó, giới chức Nga đã cáo buộc Ukraine thực hiện các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, pháo và bom trên lãnh thổ Nga trong vài tháng qua. (Reuters)
* Nga: Chưa thể gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen: Ngày 16/6, phát biểu bên lề diễn đàn kinh tế St Petersburg, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho rằng hiện “không thể” gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Bà đã nhắc lại tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Nga khác đã đưa ra trước đó rằng “giới hạn kiên nhẫn của chúng tôi… đã hết”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Thượng viện Nga, điều quan trọng là tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở nước nghèo. (Interfax)
* Nổ lớn ở trung tâm Kiev, Ukraine lên tiếng: Ngày 16/6, Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết đã xảy ra một số vụ nổ ở quận trung tâm Podil. Theo ông, thủ đô Ukraine đang trở thành tâm điểm của các đợt tấn công tên lửa.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã chỉ trích Nga đứng đằng sau đợt tấn công gây ra các vụ nổ này. Ông nói: “Tên lửa Nga đã gửi thông điệp tới châu Phi: Họ muốn có thêm xung đột thay vì hòa bình.”
Đáng chú ý, sự việc nêu trên diễn ra trong bối cảnh phái đoàn gồm một số nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao châu Phi đã tới thăm thị trấn Bucha, nơi các lực lượng Nga bị cáo buộc gây ra vụ thảm sát tháng 3/2022. Trước đó, Twitter của Phủ Tổng thống Nam Phi nêu rõ: “Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và các nguyên thủ các nước châu Phi khác đang tham gia Sứ mệnh hòa bình của các nhà lãnh đạo châu Phi tại Nhà thờ St. Andrew ở thành phố Bucha”. (AFP/Reuters)
* Ukraine lên kế hoạch huấn luyện phi công F-16: Ngày 16/6, trên đài truyền hình quốc gia Ukraine, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat nói: “Mọi thứ đang được thực hiện để bắt đầu càng sớm càng tốt. Đó không phải là đào tạo, đó là đào tạo lại”. Đồng thời, ông cho biết các phi công được chọn để huấn luyện lái máy bay chiến đấu F-16 đều là những người có kinh nghiệm.
Các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là Hà Lan và Đan Mạch, đang dẫn đầu các nỗ lực của một liên minh quốc tế nhằm đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ, bảo trì máy bay và cuối cùng là cung cấp F-16 cho Ukraine. Trong tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết việc đào tạo phi công Ukraine lái F-16 có thể bắt đầu ngay mùa Hè này. (Reuters)
* NATO có thể giảm yêu cầu kết nạp Ukraine: Ngày 16/6, trả lời bình luận về việc Mỹ có thể cho phép Ukraine bỏ qua quy trình ứng cử chính thức cần thiết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói: “Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy mọi người có thể đồng ý về đề xuất đó. Tôi sẵn sàng cân nhắc điều này”.
Tuy nhiên, ông cũng bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO khi xung đột vẫn đang diễn ra. Theo Bộ trưởng Pistorius, việc kết nạp một đất nước đang ở trong xung đột “là điều không thể” bởi NATO sẽ ngay lập tức trở thành một bên tham chiến. Ông nhận định đó không phải là điều liên minh quân sự này mong muốn và Tổng thống Ukraine cũng hiểu thực tế này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức đánh giá ở thời điểm hiện tại, các bên cần tập trung rằng Ukraine có thể giành chiến thắng, song điều này đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ về quân sự. (Reuters)
* Israel nêu lý do không gửi vũ khí tới Ukraine: Ngày 15/6, Walla (Israel) dẫn lời một số nghị sỹ Quốc hội Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giải thích việc từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo đó, ông Netanyahu nói rằng nhiều yêu cầu từ Kiev về việc cung cấp các hệ thống phòng không và tên lửa, chẳng hạn như Vòm sắt của Israel, đã bị từ chối do lo ngại rằng các công nghệ bí mật có thể rơi vào tay Nga và sau đó có thể được chuyển sang Iran.
Chính trị gia này cũng đã khiến nhiều nghị sỹ ngạc nhiên khi ca ngợi chính sách của người tiền nhiệm về Ukraine và nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách ấy, chỉ hỗ trợ nhân đạo và chính trị cho Kiev và không cấp vũ khí. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ đô Kiev rung chuyển khi các lãnh đạo châu Phi vừa đặt chân đến Ukraine |
Mỹ-Trung
* Trung Quốc: Cánh cửa đối thoại với Mỹ “luôn rộng mở”: Ngày 16/6, trả lời câu hỏi liên quan kỳ vọng thấp của giới chức Mỹ về chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh sắp tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết cánh cửa đối thoại luôn rộng mở và liên lạc song phương chưa bao giờ dừng lại. Ông khẳng định hai bên phải phát triển quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.
Về Huawei, ông Uông cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối việc một số nước châu Âu cấm Tập đoàn này. Theo ông, Ủy ban châu Âu không có cơ sở pháp lý hay bằng chứng thực tế cho quyết định trên. (Reuters)
Đông Nam Á
* Hàn Quốc đề xuất quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN: Ngày 16/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã hội đàm với Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn tại Seoul.
Trong cuộc gặp, ông Park Jin đã đề xuất thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Hàn Quốc-ASEAN, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển của quan hệ trong năm 2024, dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa hai bên. Đáp lại, Tổng thư ký ASEAN kỳ vọng hợp tác giữa hai bên tiếp tục phát triển, đồng thời kêu gọi phối hợp chặt chẽ trong thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Hiện ông Kao Kim Hourn đang có chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 15/6. Đây là chuyến công du Hàn Quốc đầu tiên của Tổng thư ký ASEAN kể từ khi ông nhậm chức tháng Một năm nay. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhức nhối nạn buôn bán người, ASEAN cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa |
Nam Thái Bình Dương
* Australia bổ nhiệm đại diện ngoại giao tại 5 nước: Ngày 16/6, Bộ Ngoại giao nước này thông báo bổ nhiệm đại diện ngoại giao ở Indonesia, Hy Lạp, Ấn Độ, Bengaluru và Polynesia. Ông Todd Dias sẽ làm Tổng lãnh sự tại Makassar, Indonesia. Bà Alison Duncan là Đại sứ tại Hy Lạp kiêm nhiệm Bulgaria và Romania. Ông Philip Green OAM trở thành Cao ủy tại Ấn Độ, còn bà Hilary McGeachy được bổ nhiệm vị trí Tổng lãnh sự Australia đầu tiên tại Bengaluru, Ấn Độ. Bà Alison Shea sẽ là Tổng lãnh sự tại Papeete, Polynesia thuộc Pháp.
Trong thông báo nêu trên, Ngoại trưởng Australia Penny Wong kỳ vọng các đại diện ngoại giao ở nước ngoài sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi ích quốc gia của Canberra. Đồng thời, thông qua cam kết ngoại giao, họ sẽ giúp duy trì các chuẩn mực và quy tắc đã tạo nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng trong nhiều thập kỷ. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Tìm kiếm đột phá cho sức mạnh không quân, Ukraine muốn có lô máy bay chiến đấu F-18 của Australia |
Đông Bắc Á
* Hạ viện Nhật Bản bác kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm: Ngày 16/6, Cơ quan này đã bác kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio do đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản, đảng đối lập chính, đệ trình. Trong bản kiến nghị, đảng này chỉ trích ông Kishida không giải thích đầy đủ việc tài trợ cho các chính sách quan trọng, bao gồm biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia và cải thiện tỷ lệ sinh đang giảm nhanh chóng của Nhật Bản. Trước đó, ngày 15/6, chính Thủ tướng Kishida Fumio cũng bác bỏ khả năng giải tán quốc hội sớm nếu đảng đối lập chính đệ trình kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. (Kyodo)
* Nhật-Mỹ-Philippines thảo luận về eo biển Đài Loan: Ngày 16/6, Tổng Thư ký Ban An ninh Quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo và những người đồng cấp Mỹ và Philippines – ông Jake Sullivan và ông Eduardo Ano, đã nhóm họp tại Tokyo. Ba nước nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Tokyo, Manila và Washington để “duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở’. Đây là cuộc họp ba bên đầu tiên giữa cố vấn an ninh của Nhật Bản, Mỹ và Philippines. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ diễn ra trong vài tháng tới |
Châu Âu
* Tổng thống Nga sẽ “sớm” thăm Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 16/6, Interfax (Nga) dẫn lời Cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhất trí rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ “sớm” thăm Ankara. Đây có thể là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới một nước NATO kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Lần gặp mặt gần nhất giữa lãnh đạo hai nước là tháng 10/2022 tại Astana, Kazakhstan. Lần cuối cùng ông Vladimir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ là đầu năm 2020 để dự lễ khai trương đường ống khí đốt TurkStream. (Reuters)
* Anh hối thúc Kosovo và Serbia giảm căng thẳng: Ngày 16/6, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho 3 cảnh sát Kosovo. Chúng tôi kêu gọi Kosovo và Serbia kiềm chế tối đa, tránh các biện pháp đơn phương và hành động ngay lập tức để giảm căng thẳng”. Trước đó, ngày 15/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc cả Kosovo và Serbia lập tức thực hiện các bước giảm căng thẳng, bao gồm trả tự do vô điều kiện cho 3 sĩ quan cảnh sát Kosovo.
Việc Serbia bắt giữ cảnh sát Kosovo tối ngày 14/6 là diễn biến mới nhất trong loạt sự kiện làm gia tăng căng thẳng giữa Kosovo và Serbia, khiến thế giới lo ngại về hoạt động bạo lực giữa hai bên. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ‘hợp tác mang tính xây dựng’ |
Trung Đông-Châu Phi
* Bộ trưởng Quốc phòng Israel và Mỹ thảo luận về Iran: Ngày 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước NATO diễn ra tại Brussels, Bỉ. Trong cuộc thảo luận, hai bên đã đề cập tới “chương trình hạt nhân của Iran, các hoạt động gây mất ổn định trong khu vực và phổ biến các hệ thống máy bay không người lái và hỗ trợ sát thương khác” đối với Trung Đông và Nga.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin về việc Washington sắp đạt được thỏa thuận hạt nhân tạm thời với Tehran nhằm giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự ở Trung Đông. Israel được cho là đã chấp nhận các nỗ lực này. (TTXVN)
* Nga mở văn phòng lãnh sự quán tại Tây Jerusalem: Ngày 16/6, phái bộ ngoại giao nước này tại Tel Aviv thông báo xứ bạch dương và Israel đã hoàn tất và ký kết các văn bản làm rõ ranh giới và diện tích lô đất của Nga ở Tây Jerusalem, nơi sẽ được sử dụng để xây dựng các tòa nhà và mở văn phòng lãnh sự của Đại sứ quán Nga tại Israel. Ngoài ra, chính phủ Nga và thành phố Jerusalem cũng ký kết thỏa thuận định cư và một giao thức phân định ranh giới và diện tích của lô đất vào ngày 18/5 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nga và Bộ Ngoại giao Israel.
Thông cáo của Đại sứ quán Nga cũng xác nhận: “Đặc biệt, tài sản đất đai được đề cập sẽ được sử dụng để xây dựng một tổ hợp các tòa nhà và công trình được sử dụng cho nhu cầu của văn phòng lãnh sự Đại sứ quán Nga tại Israel. Chúng tôi chắc chắn bước đi này hoàn toàn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị nhiều mặt giữa Nga và Israel, đồng thời phù hợp với chủ trương nhất quán của đất nước chúng tôi hướng tới một dàn xếp công bằng ở Trung Đông”. (Sputnik)