Kéo co không phân biệt nam nữ hay độ tuổi, ai có sức khỏe tốt đều có thể được tham gia thi đấu nên kéo co nhanh chóng trở thành trò chơi dân gian phổ biến và mọi người ưa thích.
Em Nguyễn Thanh Sang (huyện An Phú) chia sẻ: “Cố kéo hết sức, ngã người ra phía sau, nhích lùi từng bước một theo nhịp đếm cả đội, tuy có mệt nhưng rất vui. Kéo co còn giúp em và các bạn trong lớp đoàn kết, gắn bó nhiều hơn. Chúng em rất thích kéo co và đăng ký tham gia trò chơi này mỗi khi nhà trường tổ chức”.
Kéo co diễn ra sôi động thu hút nhiều người tham gia
Tùy mỗi vùng miền, kéo co sẽ có hình thức khác nhau, tuy nhiên thường có 2 hình thức thông dụng là kéo co không dây và kéo co có dây. Kéo co không dây thể hiện rõ hơn là 1 trò chơi dân gian. Khi thi đấu, từng người của mỗi đội chơi phải dùng tay tạo thành các “mắt xích”.
Người đứng sau vòng tay ôm eo của người đứng trước, 2 người đứng đầu 2 đội phải ngoắc 2 tay vào nhau để tạo thành “mắt xích” chắc chắn nối giữa 2 đội. Đội bên nào bị kéo qua ranh giới của bên đối phương hay làm “mắt xích” bị đứt sẽ thua cuộc.
Kéo co có dây cũng tương tự như kéo co không dây, với 2 đội chơi có số lượng người đều nhau, thường mỗi bên có 8 – 10 người. Khi thi đấu, mỗi đội sẽ nắm vào một đầu của sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng 1 dây vải đỏ làm mốc. Đội nào kéo được đội đối phương vượt qua vạch vôi là thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3.
Do kéo co là trò chơi có tính chất đối kháng và thời gian diễn ra mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút nên đòi hỏi các thành viên phải rất nỗ lực mới có thể chiến thắng. Ngày nay, trò chơi dân gian kéo co được chuẩn hóa bằng các quy định về luật thi đấu hết sức cụ thể và trở thành môn thể thao truyền thống có mặt ở hầu hết hệ thống thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở, đại hội thể dục – thể thao các cấp…
Mặc dù là môn thể thao thi đấu đơn giản, song để đạt thành tích cao, đòi hỏi người chơi không chỉ có sức khỏe, sự dẻo dai mà cần có chiến thuật hợp lý, phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội. Theo kinh nghiệm của nhiều người từng chơi kéo co, cách thức thi đấu mang tính chất vui chơi tự do nên mỗi thành viên trong đội sẽ có một kiểu cách cầm dây khác nhau, khi trọng tài báo hiệu thì đôi bên chỉ dồn sức kéo để giành chiến thắng.
Tuy nhiên, khi tham gia các giải do ngành thể thao tổ chức thì áp dụng đúng theo luật thi đấu. Tư thế đứng và cầm dây là những yếu tố rất quan trọng, bởi người chơi vừa phải đứng vững chắc, vừa phải bảo đảm chân di chuyển linh hoạt khi tiến, lùi.
Trong quá trình thi đấu, chân không được nhấc cao để không bị mất đà. Khi cầm dây, 2 tay phải úp vào nhau, co duỗi nhịp nhàng. Để tạo sức mạnh, khi kéo, các thành viên trong đội phải để sợi dây bên phải người và luồn dưới nách, bàn tay phải nằm dưới sợi dây, lòng bàn tay hướng lên trên, bàn tay trái cũng nắm chặt sợi dây và đặt trước bàn tay phải.
Khi sắp xếp đội hình thi đấu, thường bố trí người thấp đứng trước, người cao đứng sau để sợi dây tạo thành một hàng thẳng giúp tập trung lực của cả đội. Những vị trí đầu tiên đòi hỏi là người có sức khỏe và trụ vững nhất, bởi khi gặp các đối thủ mạnh, ngay những pha giật đầu tiên, cả đội có thể sẽ bị kéo đổ. Vị trí cuối cùng vừa có vai trò là một điểm trụ, vừa quan sát để điều chỉnh đội hình, tùy theo từng thời điểm mà kéo căng hay chùng xuống.
Ông Nguyễn Thành Nhân (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Kéo co là môn thể thao tập thể nên tư thế đứng của các thành viên rất quan trọng. Người chơi vừa phải đứng vững chắc, nhưng phải đảm bảo chân di chuyển linh hoạt khi tiến, lùi. Trong quá trình kéo co, chân không được nhấc cao để không bị mất đà, kéo theo ảnh hưởng đến toàn đội”.
Tương tự, anh Trần Quốc Dũng (huyện Phú Tân) cho biết: “Muốn đội kéo co mạnh thì thể lực mỗi cá nhân phải khỏe, có sự phối hợp ăn ý, kéo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, người chơi phải đứng tư thế ban đầu chân mở rộng bằng vai, đứng cách nhau vừa phải, cách dồn lực, độ nghiêng khi kéo sao cho nội lực tăng lên. Việc lựa chọn người đứng đầu dây của đội chơi phải là người có sức khỏe tốt, dẻo dai. Đồng thời, người đứng cuối hàng phải ghìm dây thật chắc chắn cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các đồng đội mới có hy vọng giành được chiến thắng”.
Trong các lễ hội, hội thao hay bất kỳ giải thi đấu nào, mỗi khi diễn ra các trận thi đấu của môn kéo co thì không khí sẽ trở nên vô cùng náo nhiệt, tạo thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO tại Namibia, “Nghi lễ và Trò chơi kéo co” ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |