Thông qua chương trình, dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, tỉnh Lai Châu tập trung ưu tiên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để giúp người dân từng bước thay đổi hành vi có lợi trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch nông thôn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nhất là trong lĩnh vực y tế. Nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức với các hình thức phong phú như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, vận động từng hộ gia đình, người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tập huấn cho thợ xây, thành lập và hỗ trợ cửa hàng tiện ích phát triển thị trường vệ sinh, cộng tác viên bán hàng về các loại nhà tiêu hợp vệ sinh; tập huấn cho các trưởng thôn/bản, cộng tác viên y tế, tuyên truyền viên cấp xã về kỹ năng truyền thông sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung vận động cộng đồng thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; sử dụng và bảo quản công trình nước và vệ sinh trong trường học; kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình tại trường học; theo dõi, đánh giá, báo cáo các hoạt động của chương trình ở cấp trường.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Nông Nghiệp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, đến nay, nhiều công trình nước sạch, công trình vệ sinh được cải tạo, xây mới; hàng nghìn hộ dân được sử dụng nước sạch; giữ gìn vệ sinh môi trường sống, sức khỏe cộng đồng được nâng lên.
Mô hình vệ sinh và nước sạch nông thôn tại Trường THCS xã Thèn Sin (huyện Tam Đường).
Cử nhân Lê Thị Thúy – Phó trưởng Khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Trong những năm qua, với sự hỗ trợ kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới, các tổ chức phi Chính phủ cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh trong lĩnh vực môi trường nông thôn; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai các hoạt động, chỉ đạo và phối hợp với trung tâm y tế huyện, y tế cơ sở tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên, tăng cường truyền thông tại cộng đồng. Kết quả đạt được về vệ sinh nông thôn rất đáng khích lệ. Cụ thể: tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 31,8% (năm 2015) lên 60,6% (năm 2022). Nhận thức của người dân nông thôn về vệ sinh cá nhân, hộ gia đình có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngành Y tế đã tổ chức, phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ cho 1.819 hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách xây dựng 1.819 nhà tiêu hợp vệ sinh thuộc 7 huyện trên địa bàn tỉnh. Điều này góp phần rất lớn trong việc giúp cải thiện tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã, bản; nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh nâng lên. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn tỉnh hết năm 2022 đạt 66,8%, khu vực nông thôn đạt 60,6%.
Bà Sùng Thị Pà (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng mua vật liệu xây dựng từ cửa hàng tiện ích. Nhờ đó có thêm kinh phí để sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh cũ sạch, đẹp hơn, giúp gia đình bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sức khỏe”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lai Châu vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại và thách thức không nhỏ. Nhận thức của người dân về công tác sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn hạn chế. Nhiều nơi, người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình, dự án. Hành vi, thói quen sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa phổ biến, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và duy trì những thành quả đạt được trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung hoàn thiện chính sách và thể chế, tăng cường năng lực các tổ chức cơ sở. Đưa mục tiêu xóa bỏ phóng uế bừa bãi vào các tiêu chí phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường tài trợ cho lĩnh vực này để góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.