Khu vực kinh tế tập thể (KTTT) có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển KTTT còn chưa tương xứng với tiềm năng. Mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04 về một số chính sách hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 để phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Đưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp HTX Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) giảm được sức lao động, góp phần tăng năng suất cây trồng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nghị quyết quy định cụ thể về mức hỗ trợ giải thể và chuyển đổi hoạt động tổ chức HTX, Liên hiệp HTX hoạt động kém hiệu quả, tạm ngừng hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động có nhu cầu giải thể; HTX, Liên hiệp HTX thực hiện đăng ký, tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển sang lại loại hình tổ chức khác theo quy định của Luật HTX năm 2012; UBND các huyện, thành phố thực hiện giải thể bắt buộc đối với các HTX đã ngừng hoạt động với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/HTX, Liên hiệp HTX.
Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức KTTT với mức hỗ trợ đào tạo 12 triệu đồng/người/khóa (Mỗi HTX, Liên hiệp HTX được hỗ trợ 1 người/khóa đào tạo).
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn tối đa 60 triệu đồng/lớp; tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình HTX kiểu mới, tối đa 60 triệu đồng/chuyến/năm.
Đối với lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT thì được hỗ trợ lương hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế làm việc nhưng không quá 3 năm/người; số lượng 1 người/tổ chức KTTT/năm.
Việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cũng được quy định rõ ràng; trong đó các HTX, Liên hiệp HTX có từ 50 thành viên trở lên, có sẵn mặt bằng, hoạt động hiệu quả và có lãi trong 2 năm liên tiếp gần nhất.
Ngoài ra, các HTX, Liên hiệp HTX phải có phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) khả thi và cam kết thực hiện đầu tư đồng thời phần còn lại đế đồng bộ với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm do Nhà nước hỗ trợ nhằm đảm bảo hiệu quả dự án…
Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% vốn đầu tư một số hạng mục của dự án nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án/HTX, Liên hiệp HTX. Các hạng mục còn lại của dự án do HTX, Liên hiệp HTX tự đầu tư đảm bảo dự án đầu tư đồng bộ. Thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ từ năm 2023 đến hết năm 2025.
UBND tỉnh đã cụ thể hoá Nghị quyết 04 của HĐND để hỗ trợ khu vực KTTT trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung nghiên cứu, hướng dẫn các HTX, Liên hiệp HTX tổ chức triển khai thực hiện đối với chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm theo quy định.
Trong đó, ưu tiên các HTX thí điểm tham gia “Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, giai đoạn 2021 – 2025” đã được UBDN tỉnh phê duyệt; HTX hoạt động tại thôn, tổ dân phố dự kiến thực hiện thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh; HTX có số lượng thành viên lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; HTX, liên hiệp HTX có dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có dự án nhân giống cây trồng có quy mô từ 300.000 cây/năm trở lên…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 HTX kiểu mới được hỗ trợ, tham gia thí điểm “Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, giai đoạn 2021 – 2025” được UBDN tỉnh phê duyệt như: HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào; sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; xây dựng trang trại mẫu, phát triển chăn nuôi, chế biến bò sữa. HTX Môi trường Tân Phong với mô hình dịch vụ vì cộng đồng; thu gom rác thải hữu cơ nuôi giun quế để phục vụ chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý với mô hình tích tụ ruộng đất, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. HTX Môi trường Tiến Đạt với mô hình nuôi cá cao sản, chất lượng cao ở các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. HTX Nông nghiệp Đại Lải với mô hình sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, miền núi; sản xuất rau củ quả theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm.
2 năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự tạo điều kiện của chính quyền các địa phương, các HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng dịch vụ gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương.
Nhiều HTX đã và đang tích cực chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh; khai trương nhiều cửa hàng, điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân.
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, máy móc, ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
HTX cũng được hỗ trợ tìm kiếm thị trường, thiết kế bao bì, nhãn mác, vì vậy, sản phẩm gạo Phú Xuân được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến và được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. HTX đã tạo việc làm ổn định cho nhiều thành viên với thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm.
Để nhận được hỗ trợ nhanh nhất, các HTX, Liên hiệp HTX cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương để sớm hoàn thiện quy trình, thủ tục hỗ trợ kinh phí theo quy định.
Trên cơ sở hồ sơ đầy đủ và hợp lệ do các HTX, Liên hiệp HTX đảm bảo điều kiện hỗ trợ và đảm bảo tính khả thi của dự án, UBND cấp huyện sẽ đề xuất nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thành An