Hàn Quốc công bố hình ảnh bộ phận tên lửa được trục vớt dưới biển sau vụ phóng vệ tinh quân sự của Triều Tiên hồi tháng trước.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) thông báo trục vớt được mảnh vỡ tên lửa hình trụ, có kích thước lớn tối 15/6. “Vật thể sẽ được phân tích kỹ lưỡng bởi các tổ chức chuyên môn, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc phòng”, JSC cho hay.
Seoul bắt đầu hoạt động trục vớt mảnh vỡ tên lửa của Bình Nhưỡng rơi xuống khu vực gần đảo Eocheong, tây nam Hàn Quốc, sau vụ phóng vệ tinh thất bại ngày 31/5.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đầu tháng 6 cho biết tên lửa đẩy Cheollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của nước này rơi xuống biển do “mất động lực vì quá trình khởi động bất thường của động cơ tầng đẩy thứ hai, sau khi tách tầng đẩy thứ nhất”.
Quân đội Hàn Quốc xác định mảnh vỡ rơi xuống vùng biển cách đảo Eocheong khoảng 200 km về phía tây và chìm xuống đáy biển ở độ sâu 75 mét, một phần do trọng lượng quá nặng.
Hoạt động trục vớt của Hàn Quốc trước đó bị cản trở do tầm nhìn dưới nước kém, hải lưu chảy xiết và các chướng ngại vật khác. Hàn Quốc kỳ vọng việc nghiên cứu bộ phận tên lửa có thể làm sáng tỏ về chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Mỹ và đồng minh đều cho rằng những vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều chỉ là “vỏ bọc” để thử nghiệm tên lửa đạo đạo, do chúng áp dụng công nghệ giống nhau. Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh hồi năm 2012 và 2016, tất cả đều bay qua tỉnh Okinawa ở miền nam Nhật Bản.
Tuy nhiên, Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, cho rằng Triều Tiên đã phát triển thành công chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoàn chỉnh và không cần lấy lý do phóng vệ tinh để che giấu những vụ thử tên lửa đạn đạo. Ông cho rằng Chollima-1 là tên lửa đẩy hạng trung, được thiết kế để đưa vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo gần Trái Đất.
Huyền Lê (Theo Reuters, Yonhap)