Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị số 17 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh.
1.516 mô hình “Dân vận khéo”
Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và thực hiện có hiệu quả; gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng 1.516 mô hình “Dân vận khéo”; trong đó có 537 mô hình về phát triển kinh tế, 455 mô hình về văn hóa – xã hội, 306 mô hình về đảm bảo an ninh quốc phòng, 218 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giữ vững quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Khu vui chơi cho thiếu nhi tại Trường Tiểu học Suối Tân, huyện Cam Lâm (Ảnh V.T) |
Điển hình như mô hình “Thực hiện và tuyên truyền nông dân trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp xây dựng hợp tác xã” của ông Ngô Tấn Cường (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh). Hiện nay, Hợp tác xã trồng táo xã Cam Thành Nam có 11 thành viên với vốn điều lệ hơn 6 tỷ đồng. Nhờ đầu tư cây táo theo hướng VietGAP nên sản lượng, chất lượng và giá cả đều tăng, mang lại thu nhập cao cho các thành viên. Ngoài ra, mô hình còn vận động được hơn 40 hộ dân trồng và xây dựng vùng chuyên canh cây táo với diện tích hơn 50ha; vận động 15 hộ thực hiện trồng táo trong nhà lưới nhằm hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.
Hay mô hình công trình “Khu vui chơi cho thiếu nhi” của Đoàn Thanh niên tỉnh được thực hiện tại huyện đảo Trường Sa và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Các điểm vui chơi được xây dựng đã tạo điều kiện cho thiếu nhi vui chơi, phát triển thể chất và tinh thần… Ngoài ra, còn có các mô hình: “Mỗi nét vẽ – Một tấm lòng” của Đoàn phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh); “Bữa sáng yêu thương” của UBMTTQ Việt Nam phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang); “Vận động nông dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau” tại thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh)…
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận
Theo ông Nguyễn Thanh Vân – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện phong trào còn hạn chế; công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tại một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên; một số mô hình, điển hình chất lượng chưa cao, chưa có sức lan tỏa; công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương, đơn vị chưa phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế.
Theo Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về vai trò, vị trí công tác dân vận của Đảng, tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị; xem việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình điển hình, nhân rộng các gương điển hình, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh; tạo việc làm, giảm nghèo, phấn đấu có nhiều điển hình, mô hình làm kinh tế giỏi, gương người tốt, việc tốt.
UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền, sở, ban, ngành triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị số 33/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quá trình lập Đồ án quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm; các quy hoạch phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; chương trình, dự án lớn của tỉnh, địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; quan tâm giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân…
Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức phát động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Trung ương, của tỉnh phát động. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch cụ thể và phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Ngoài ra, chỉ đạo MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội các cấp tổ chức đăng ký, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; giới thiệu, lựa chọn các mô hình hiệu quả, mô hình mới phát sinh trong nhân dân để biểu dương và nhân rộng…
CẨM VÂN