Sau nhiều lần thất bại việc nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1, Iran đã lên tiếng cho rằng, phương Tây không thể ngăn cản nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei thăm triển lãm về những thành tựu hạt nhân của Iran ở Tehran. Ảnh: IRNA
Tuyên bố này được Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Israel nhiều lần cảnh báo các đồng minh phương Tây về vấn đề hạt nhân của Iran. Ông Khamenei cho rằng thông tin Iran có vũ khí hạt nhân là dối trá và nước này không muốn hướng tới vũ khí hạt nhân.
Ông Khamenei lập luận rằng, ngành công nghiệp hạt nhân rất quan trọng đối với sự tiến bộ và phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế, y tế và các lĩnh vực khác, đồng thời cho biết, công nghệ hạt nhân có thể mang lại hiệu quả cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, môi trường… nên Iran quyết tâm giữ lại hạ tầng hạt nhân để phục vụ cho nhiệm vụ này.
Lãnh đạo Iran tin rằng, thỏa thuận với phương Tây về chương trình hạt nhân là có thể đạt được với điều kiện cơ sở hạ tầng hạt nhân của nước này vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Khamenei cho biết thêm, Iran nên tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong khuôn khổ các cam kết để làm sáng tỏ vụ việc. Đồng thời, Lãnh tụ tối cao Iran cũng khẳng định, nước này không muốn sản xuất vũ khí hạt nhân vì niềm tin tôn giáo của mình.
Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, ngoại giao đã thất bại trong việc ngăn chặn Iran phát triển năng lực hạt nhân và Isarel sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tự vệ. Động thái này của Isarel đã khơi mào hoài nghi đối với Iran của một số nước phương Tây. Từ đó, có thể cản trở tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Trong một động thái liên quan IAEA đưa ra hồi tuần trước, Iran mới chỉ hợp tác một phần nhỏ trong các yêu cầu thanh sát hạt nhân theo thỏa thuận giữa IAEA và Tehran ký hồi đầu năm 2023. Theo IAEA, hiện Iran đang sở hữu 114,1kg urani được làm giàu ở cấp độ 60% tinh khiết – chỉ còn cách cấp độ vũ khí hạt nhân (tương đương mức độ tinh khiết 90%) một bước ngắn.
Trong khi đó, Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình và nước Cộng hòa Hồi giáo không hướng tới việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Iran Ebrahim Raisi, trong đó nhà lãnh đạo Pháp đã bày tỏ quan ngại về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời đề nghị Tehran thực hiện các biện pháp giảm leo thang một cách rõ ràng và có thể kiểm chứng được cũng như các nghĩa vụ quốc tế và các cam kết trước đó với IAEA.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Theo đó, thỏa thuận này buộc Iran không theo đuổi chương trình hạt nhân đổi lại Liên Hiệp Quốc và các quốc gia liên quan sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này, đồng thời sẽ hỗ trợ Iran khôi phục kinh tế phát triển đất nước. Tuy nhiên, đến năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vì cho rằng Iran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuân. Đi cùng với việc rút khỏi thỏa thuận, Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Từ năm 2019, Iran bắt đầu vi phạm các điều khoản của thỏa thuận để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Phía Iran cũng có động thái đáp trả bằng việc làm giàu urani sạch với tỷ lệ ngày càng cao hơn đủ điều kiện để phát triển vũ hạt nhân.
Thời gian gần đây, Nhóm P4+1 còn lại (trừ Mỹ) đã nỗ lực đàm phán với Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, kết quả đạt được không mấy khả quan. Điều này đồng nghĩa thỏa thuận này khó có cơ hội sống lại.
HN tổng hợp