Ông Scholz chỉ ra rằng kể từ khi chính quyền của ông đồng ý xây dựng một chiến lược, cấu trúc an ninh của châu Âu đã thay đổi hoàn toàn. Ông trích dẫn việc cuộc xung đột Nga – Ukraine đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống Nord Stream là động lực mới để thúc đẩy kế hoạch này.
“Tôi nhấn mạnh tất cả các sự kiện để làm rõ môi trường an ninh đã thay đổi rõ rệt như thế nào đối với nước Đức trong một năm rưỡi qua”, ông nói. “Bất chấp tất cả những thay đổi, nhiệm vụ cốt lõi của một quốc gia vẫn là đảm bảo an ninh cho công dân của mình”.
Ông Scholz cho biết, trong khi các văn bản chính sách trước đây chỉ tập trung vào quốc phòng, thì chiến lược mới sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách đối ngoại. Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Đức được cung cấp nguyên liệu thô một cách an toàn và lâu dài.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock, đồng ý rằng cần tập trung mạnh mẽ hơn vào an ninh kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Bà nói rằng từ khi cuộc chiến xảy ra, “tất cả chúng ta đã phải học được rằng tự do và hòa bình không từ trên trời rơi xuống”.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner, cho biết Đức đặt mục tiêu chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP từ năm tới. Tuy nhiên, ông cho biết mục tiêu chỉ có thể được đáp ứng bằng các quỹ đặc biệt, nếu không sẽ cần đến các khoản tiết kiệm lớn hoặc tăng thuế.
Chính phủ liên minh của ông Scholz đã đồng ý về một chiến lược an ninh toàn diện hơn vào tháng 11 năm 2021 và đề xuất này đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái .
Cuộc chiến này đã bộc lộ những thiếu sót trong quân đội Đức, như sự phụ thuộc quá mức của nước này vào năng lượng của Nga và những câu hỏi về cách thức bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống dẫn khí đốt.
Chiến lược an ninh quốc gia của Đức là kết quả của nhiều tháng thu thập ý kiến từ các chuyên gia và người dân ở cấp huyện, tiểu bang và liên bang, cũng như sau nhiều tháng trì hoãn và tranh cãi về một số vấn đề.
Huy Hoàng (theo DW, Reuters, AP)