TP.Biên Hòa là đô thị loại I, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Cũng như các đô thị lớn trên cả nước, TP.Biên Hòa đang phải đối diện với tình trạng mưa là ngập suốt nhiều năm qua. Dù các ngành chức năng của thành phố triển khai nhiều giải pháp chống ngập, nhưng dẹp điểm ngập này lại xuất hiện điểm ngập mới, có những điểm ngập khắc phục nhiều lần vẫn không dứt điểm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân và nguy cơ mất an toàn giao thông.
Các phương tiện chật vật vượt qua điểm ngập trên đường Phạm Văn Khoai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) trong những cơn mưa vào tháng 5-2023. Ảnh: Đ.TÙNG |
Bài 1: Điệp khúc mưa là ngập
Từ tháng 5-2023 đến nay, khi mùa mưa bắt đầu, tại TP.Biên Hòa liên tục xuất hiện các cơn mưa. Đáng chú ý, dù mưa lớn hay nhỏ (nhưng kéo dài), một số tuyến đường tại TP.Biên Hòa vẫn bị ngập cục bộ.
Phần lớn các điểm ngập đều tồn tại từ lâu nhưng chưa thể giải quyết triệt để, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thông cũng như sinh hoạt, tài sản của người dân.
* Khi đường “biến” thành sông
Hơn 1 tháng nay, dù sống ngay mặt tiền đường Đồng Khởi nhưng anh Nguyễn Hồng Bảo (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) luôn chuẩn bị sẵn ủng cao su để “lội” qua các đoạn ngập ngay trước cửa nhà để đi ra đường mỗi khi mưa xuống. Vì chỉ cần mưa lớn khoảng 30 phút, đường Đồng Khởi sẽ nhanh chóng ngập sâu 20-30cm ở cả 2 hướng di chuyển (đoạn trước khu vực Sở NN-PTNT) thuộc P.Tân Hiệp và P.Tân Mai. Việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân sống hai bên đường.
Anh Nguyễn Hồng Bảo bức xúc nói: “Đường Đồng Khởi qua khu vực này là điểm ngập tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để dù đã có hệ thống cống thoát nước. Hễ mưa lớn hoặc mưa nhỏ kéo dài là ngập. Nước ngập không thấy đâu là đường, đâu là miệng cống; nước còn tràn ngược từ miệng cống ra đường. Chúng tôi mỗi khi ra đường rất bất tiện vì phải đi ủng chống ướt. Ngoài ra, ai cũng lo sợ trượt chân xuống đoạn cống bị hở nắp”.
Phó chủ tịch UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa) HUỲNH ĐÔNG cho hay, chính quyền địa phương đã yêu cầu lực lượng công an, dân quân bám sát các tuyến đường, khu vực thường xảy ra ngập, các bờ suối nguy hiểm. Qua đó cảnh báo người dân hạn chế qua lại và báo ngay cho chính quyền, lực lượng cứu nạn khi có tình huống trôi người, phương tiện, tai nạn khi mưa ngập.
|
Bức xúc của anh Bảo cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân tại các phường: Tân Hiệp, Tân Phong, Trảng Dài, Long Bình Tân… khi có không ít tuyến đường, giao lộ qua các địa phương trên xảy ra tình trạng ngập khi trời mưa.
Nhiều tuyến đường đã được các cơ quan chức năng “điểm danh” như: Đồng Khởi (đoạn qua các phường: Trảng Dài, Tân Phong, Tân Mai, Tân Hiệp), quốc lộ 51 (P.Long Bình Tân), quốc lộ 1 (P.Tân Biên), đường Bùi Trọng Nghĩa (P.Trảng Dài), đường Võ Nguyên Giáp (P.Phước Tân)… Các vị trí này trung bình ngập từ 20-40cm, phần lớn vị trí ngập sâu nằm sát vỉa hè, lề đường và cạn dần khi ra giữa tim đường. Cá biệt có một số đoạn trên đường Đồng Khởi nước tràn lên tận vỉa hè, đến mép nhà dân hai bên đường, gây khó khăn, bất tiện khi đi lại.
Phần lớn ở các điểm ngập nêu trên đều nằm trên đoạn đường dốc, trũng và có hệ thống cống thoát nước. Tuy nhiên, khi mưa lớn hoặc mưa kéo dài, lượng nước đổ về nhiều, cống thoát không kịp sẽ gây ra ngập cục bộ. Điển hình như trong các ngày 8, 17, 22 và 26-5…, cơn mưa nhỏ trong 1-2 giờ vào buổi chiều gây ngập cục bộ tại các tuyến đường này.
Đáng chú ý, khu vực ngã ba Trảng Dài (giao lộ Đồng Khởi – Bùi Trọng Nghĩa) thuộc địa phận P.Trảng Dài và P.Tân Phong là điểm ngập lâu năm. Đây vừa là giao lộ lớn, lại là điểm trũng nên dù có cống thoát nước nhưng khi mưa lớn, nước đổ từ 2 đầu đường Đồng Khởi và đường Bùi Trọng Nghĩa vào giao lộ dẫn đến ngập cục bộ.
Điển hình như cơn mưa chiều 22-5, sau cơn mưa kéo dài, đường Đồng Khởi khu vực ngã ba Trảng Dài “biến” thành sông khiến hàng chục xe ô tô, xe máy bị ngập nước làm “chết” máy, gây ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực này. Tình trạng này hầu như xuất hiện thường xuyên mỗi khi ngã ba Trảng Dài ngập nặng sau mưa.
Rác, lá cây che kín miệng cống thoát nước cuối đường 518 (gần khu vực Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, TP.Biên Hòa) chiều 22-5 |
* Phập phồng khi đi trên đường ngập nước
Thực trạng nước ngập cục bộ khiến đường thành “sông” mỗi khi mưa lớn tại một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa khiến nhiều người cảm thấy bất tiện và không khỏi phập phồng lo lắng mỗi khi đi qua các tuyến đường này khi trời mưa to.
Chị Phạm Thu Nguyệt (công nhân làm việc ở Cụm công nghiệp Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) bày tỏ: “Mỗi chiều, khi từ công ty về nhà ở P.Tân Mai, tôi rất lo ngại khi mưa to, vì phải vượt qua mấy điểm ngập trên đường Đồng Khởi. Chưa kể đây là tuyến đường đông đúc các loại xe tải di chuyển từ đường tỉnh 768 ra quốc lộ 1 nên việc các xe máy chen chúc cùng xe ô tô là điều khó tránh. Việc này cũng dễ xảy ra va chạm giao thông”.
Theo Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an TP.Biên Hòa, khi di chuyển dưới trời mưa, đường ngập, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, do nước ngập sâu ở các làn đường sát vỉa hè, lề đường đã khiến các loại xe 2 bánh phải di chuyển chung làn với xe ô tô, rất dễ xảy ra các vụ va chạm giao thông khi người đi xe 2 bánh lọt vào “điểm mù” của người lái xe ô tô – vốn bị cản tầm quan sát khi mưa đọng mờ trên kiếng chắn gió.
Người đi xe máy chen chúc cùng các loại xe ô tô qua điểm ngập tại ngã ba Trảng Dài (TP.Biên Hòa) chiều 26-5 |
Mặt khác, hiện nay trên một số tuyến đường nội thành Biên Hòa có nhiều vị trí đang bị mất các tấm đan, nắp cống thoát nước; sạt lở vỉa hè như: đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn thuộc P.Hố Nai), đường Đồng Khởi (đoạn thuộc P.Tam Hiệp)khiến người dân lo ngại vì dù không ngập sâu nhưng dễ xảy ra sự cố người bị nước cuốn khi té xuống cống. Đặc biệt khi hiện nay đã bắt đầu kỳ nghỉ hè, nhiều học sinh được nghỉ ở nhà có thể rủ nhau đi tắm mưa làm tăng nguy cơ gặp sự cố nói trên.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, cuối tháng 4-2023, Ban đã cùng các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra thực tế các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và các vị trí bất cập về hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh. Đoàn kiểm tra xác định được một số điểm ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn trên các quốc lộ trên địa bàn, trong đó có quốc lộ 51 (đoạn qua P.Long Bình Tân và P.An Hòa của TP.Biên Hòa)…
Qua đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đã kiến nghị các đơn vị quản lý tuyến đường tăng cường hoạt động nạo vét, khơi thông mương, cống thoát nước ở các vị trí ngập nêu trên. Đồng thời, kiến nghị lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát ghi nhận hiện trạng thực tế các hạ tầng giao thông xuống cấp, bất cập để các cơ quan có liên quan sớm kiểm tra, điều chỉnh.
Đăng Tùng
Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn
.