Nga sẽ tổ chức bầu cử ở lãnh thổ sáp nhập, thêm người tham gia tranh cử tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Saudi Arabia thăm Iran…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Thị trưởng thành phố Miami, ông Francis Suarez, đã đăng ký tham gia cuộc đua tới tấm vé tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa. (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga cân nhắc tổ chức bầu cử tại các khu vực sáp nhập ở Ukraine: Ngày 15/6, TASS (Nga) dẫn lời người đứng đầu ủy ban bầu cử của Nga thông báo Bộ Quốc phòng nước này và Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đang xem xét khả năng bầu thị trưởng vào tháng Chín tại các khu vực của Ukraine mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập hồi năm ngoái.
Hiện cả bốn khu vực này, bao gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, đều là điểm nóng trong đụng độ giữa hai bên những ngày vừa qua. (Reuters)
* Nga bi quan về triển vọng của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen: Phát biểu ngày 15/6, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Công việc đang diễn ra song thành thật mà nói, chúng tôi không thấy triển vọng đặc biệt tích cực nào cả. Mọi thứ thống nhất trước đó liên quan đến chúng tôi đã không được thực hiện”. Quan chức này cũng cảnh báo tình hình hiện nay không thể kéo dài mãi.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này có ý định quay lại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ nhắm vào các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc tháng 9/2022. Trước đó, Nga cáo buộc và Ukraine phương Tây đứng đằng sau các vụ nổ này, song các bên nêu trên đã lên tiếng bác bỏ. (Reuters)
* EU loại trừ khả năng triển khai binh sĩ NATO ở Ukraine: Ngày 14/6, phát biểu trên truyền hình Pháp, Phó Đô đốc Herve Blejean – Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu quân sự Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ: “Triển khai bộ binh tới Ukraine đồng nghĩa với trở thành một bên tham gia xung đột với Nga. Không ai muốn tham gia cuộc đối đầu đó cả, dù là EU hay Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chúng ta không muốn đối đầu với Nga.”. Theo ông Blejean, chiến dịch phản công của Ukraine sẽ “không phải là điểm kết thúc, bất kể kết quả ra sao”.
Trước đó, cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen gợi ý các quốc gia thành viên riêng lẻ của liên minh, chẳng hạn như Ba Lan và các nước vùng Baltic, có thể quyết định triển khai binh sĩ tới Ukraine. (RT)
* NATO: Viện trợ cho Ukraine đang tạo ra khác biệt: Ngày 15/6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ: “Sự hỗ trợ các đồng minh NATO dành cho Ukraine trong nhiều, nhiều tháng nay thực sự tạo ra khác biệt trên chiến trường”.
Về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels, ông cho hay các bộ trưởng và những đối tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sẽ thảo luận giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất. Đồng thời, quan chức cấp cao NATO nhấn mạnh tiêu chuẩn chung đối với các quốc gia thành viên về việc dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng “không phải là trần, mà mới chỉ là mức tối thiểu để đầu tư bảo đảm an ninh chung”. (Reuters)
* Mỹ hối thúc đồng minh cấp thêm vũ khí cho Ukraine: Ngày 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lưu đã phát biểu khai mạc cuộc họp bộ trưởng quốc phòng Nhóm Tiếp xúc do Mỹ đứng đầu trong NATO tại Brussels (Bỉ). Ông cho biết Nhóm Tiếp xúc đã cung cấp các hệ thống phòng không Patriot, IRIS-T và NASAMS để bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Ukraine đang cần nhiều hơn thế: “Tôi đề nghị các thành viên của Nhóm Tiếp xúc tiếp tục tăng cường cung cấp cho Ukraine các khí tài phòng không và đạn dược mà (Kiev) rất cần để bảo vệ công dân của mình. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh sự hỗ trợ để đáp ứng thay đổi hoàn cảnh trên thực địa theo nhu cầu thay đổi của lực lượng Ukraine”.
Đây là cuộc họp thứ 13 của Nhóm Tiếp xúc mà Washington đã thành lập vào năm ngoái để điều phối viện trợ của phương Tây cho chính quyền Kiev. (Reuters)
* Các nước châu Âu đẩy mạnh cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine: Ngày 15/6, Bộ Quốc phòng Na Uy thông báo Oslo và Copenhagen đã nhất trí cấp thêm 9.000 quả đạn pháo cho Kiev. Tuyên bố trên nêu rõ nước này sẽ cung cấp đầu đạn, trong khi Đan Mạch sẽ quyên góp ngòi nổ và liều phóng.
Cùng ngày, trang NTV (Đức) cho biết Bộ Quốc phòng Hà Lan sẽ mua 4 hệ thống radar VERA-EG trị giá 150 triệu euro để trang bị cho phòng không Ukraine.
Amsterdam cho biết hệ thống radar VERA-EG có thể được sử dụng để phát hiện, định vị, theo dõi và xác định các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển. Bộ Quốc phòng Hà Lan cho rằng với thương vụ mua sắm nêu trên, Amsterdam đang “đóng góp vào hệ thống phòng không tích hợp của Ukraine”. (NTV/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chiến dịch phản công của Ukraine: Bước ngoặt là đây? |
Đông Nam Á
* Campuchia tiếp tục chuẩn bị cho tổng tuyển cử: Sáng 15/6, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã công bố và giới thiệu quy trình in phiếu bầu cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII năm 2023. Ông Hang Puthea, Ủy viên kiêm người phát ngôn NEC cho biết cơ quan này đã triển khai in hơn 13 triệu phiếu bầu để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII. Trong đó, hơn 11 triệu phiếu sẽ được sử dụng trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu và hơn 1 triệu phiếu dự phòng được lưu tại cơ quan tổ chức bầu cử ở thủ đô và các tỉnh.
Buổi lễ kiểm tra và giới thiệu quy trình in phiếu cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII sáng 15/6 có sự tham gia của đại diện các chính đảng, tổ chức phi chính phủ và giới báo chí truyền thông. Dự kiến, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/7/2023, với 17 chính đảng tham gia tranh cử với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền. (TTXVN)
* Philippines: Tấn công xe cảnh sát gây nhiều thương vong: Ngày 15/6, Cảnh sát Philippines xác nhận 2 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương khi một nhóm vũ trang phục kích một xe cảnh sát ở miền Nam nước này.
Chuẩn Tướng Allan Nobleza, cảnh sát trưởng Khu tự trị Hồi giáo Mindanao Bangsamoro (BARMM), cho biết vụ việc xảy ra lúc 20h30 ngày 14/6 (giờ địa phương) tại thị trấn Shariff Aguak, tỉnh Maguindanao del Sur, khi nhóm cảnh sát đang trở về đồn sau hoạt động tuần tra thường lệ. Theo ông Nobleza, vụ phục kích cách trụ sở chính của cảnh sát chỉ vài mét.
Hiện chưa có nhóm nào thừa nhận thực hiện hành vi tấn công. Cảnh sát đang điều tra động cơ của vụ việc. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Philippines đẩy mạnh chiến dịch chống lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến |
Đông Bắc Á
* Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức, Pháp: Ngày 15/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thăm Đức và Pháp từ ngày 18-23/6. Theo thông báo, Thủ tướng Lý Cường sẽ dự vòng tham vấn liên chính phủ thứ 7 giữa Trung Quốc-Đức, cũng như Hội nghị thượng đỉnh về một Hiệp ước tài chính toàn cầu tại Pháp. (Reuters)
* Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu ngũ cốc Nga: Ngày 15/6, Bộ Tài chính nước này cho hay trong tháng 5 vừa qua, nhập khẩu ngũ cốc từ xứ bạch dương đã tăng thêm 2.098,7% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong tháng Năm, Nhật Bản đã giảm nhập khẩu rau (82%), than đá (76,3%), hàng y tế (99,7%), thép (42,5%), kim loại màu (85,5%) từ Nga, trong khi nhập khẩu cá và hải sản tăng 14,6%. Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga vào Nhật Bản tăng 9,1%.
Theo số liệu của TASS (Nga), tỷ trọng LNG của Nga trong tổng giá trị nhập khẩu loại nhiên liệu này của Nhật Bản đã tăng lên 13,22% so với mức trung bình hàng tháng là khoảng 9%. Đồng thời, kim ngạch thương mại song phương trong tháng Năm giảm 34,5%, xuống còn 130,75 tỷ yên (khoảng 931 triệu USD). Xuất khẩu sang Nga tăng 34,8%, lên 35,57 tỷ Yên (khoảng 253 triệu USD), trong khi nhập khẩu giảm 46,5%, xuống còn 95,19 tỷ Yên (khoảng 678 triệu USD). (TTXVN)
* Hàn Quốc và Nhật Bản: Triều Tiên vừa phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn: Ngày 15/6, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết đã phát hiện những vụ phóng này từ vùng Sunan ở Bình Nhưỡng vào khoảng 19h25 và 19h37 (theo giờ địa phương). Hiện Seoul đang tiếp tục phân tích tình hình.
Trong khi đó, Tokyo cho biết cả hai tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa phóng đều rơi vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng nước này cho biết, một tên lửa của Triều Tiên đã bay ở độ cao 50 km và có tầm bắn 850 km, trong khi tên lửa còn lại cũng đạt độ cao 50 km và có tầm bắn 900 km.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ trích vụ phóng vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết Liên hợp quốc. Tuy nhiên, ông nêu rõ hiện chưa có báo cáo về thiệt hại đối với máy bay và tàu thuyền do hoạt động nêu trên.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã chỉ trích cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là hành vi “khiêu khích và vô trách nhiệm”, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng. (Kyodo/Reuters/Yonhap)
* Nhà lãnh đạo Triều Tiên chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Trung Quốc: Ngày 15/6, KCNA (Triều Tiên) cho biết ông Kim Jong-un đã gửi thư mừng sinh nhật lần thứ 70 của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong thư, ông nhấn mạnh Bắc Kinh đã “xây dựng một xã hội khá giả toàn diện” và “sức mạnh quốc gia và vị thế quốc tế của Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể” dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
KCNA cho hay: “Bức thư bày tỏ niềm tin rằng cuộc đấu tranh cho sự thịnh vượng của Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng lợi khi có sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, với đảng cùng nhân dân Trung Quốc tập hợp xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà ông Tập Cận Bình là hạt nhân”. (KCNA/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc và Nhật Bản không ngừng phòng bị trước khả năng phóng tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên |
Châu Âu
* Tổng thư ký NATO đề cập khả năng có người kế nhiệm: Ngày 15/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các thành viên liên minh sẽ quyết định về việc ông có tiếp tục đảm nhận cương vị nêu trên hay không.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng Bảy tới, 31 quốc gia NATO được cho là đang thảo luận về việc tìm kiếm người kế nhiệm để thay thế ông làm tổng thư ký của liên minh.
Trước đó, ông Stoltenberg – 64 tuổi, người đã đứng đầu NATO từ năm 2014, đã kéo dài nhiệm kỳ của mình thêm một năm đến tháng 10/2023 sau khi Nga bắt đầu xung độ tại Ukraine vào tháng 2/2022. Quan chức này khẳng định không “muốn tìm kiếm sự gia hạn nào, song quyết định tùy thuộc vào các thành viên NATO.
Hiện Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu có thể kế nhiệm chiếc ghế Tổng Thư ký NATO. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về một lựa chọn rõ ràng giữa các thành viên NATO, trong khi giới ngoại giao đang đề cập về khả năng yêu cầu ông Stoltenberg ở lại. (AFP)
* Chính phủ Slovakia không vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm: Ngày 15/6, Chính phủ Thủ tướng Ludovit Odor đã thất bại trong bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Theo đó, Chính phủ Slovakia chỉ nhận được 34 phiếu/136 nghị sĩ tham gia. Như vậy theo Hiến pháp nước này, Tổng thống Zuzana Caputova sẽ giải tán nội các và giao nhiệm vụ cho chính phủ tạm quyền với quyền lực hạn chế.
Trước đó, chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Odor đã nhậm chức hồi tháng Năm vừa qua và dự kiến sẽ điều hành đất nước tới cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào tháng 9 tới. Trước đó, ngày 7/5, Thủ tướng tạm quyền Eduard Heger đã đệ đơn từ chức sau khi các bộ trưởng từ chức làm suy yếu nội các của ông. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Czech cảm kích Slovakia liên quan thương vụ mua sắm vũ khí lớn nhất trong lịch sử hiện đại nước này |
Châu Mỹ
* Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Thị trưởng Miami tranh cử: Ngày 14/6, Thị trưởng thành phố Miami, thủ phủ bang Florida, ông Francis Suarez đã nộp hồ sơ đăng ký lên cơ quan bầu cử liên bang. Qua đó, ông chính thức bước vào cuộc đua giành tấm vé đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Ông Francis Suarez, sinh năm 1977, một người Mỹ gốc Cuba, sẽ trở thành ứng cử viên gốc Mỹ Latinh duy nhất trong số các ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Hiện trong số các ứng cử viên đông đảo của đảng này, cựu Tổng thống Donald Trump, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, cựu Phó Tổng thống Mike Pence, Thượng nghị sĩ Tim Scott, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley và cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đang là những người nổi bật hơn cả. Tuy nhiên, bất chấp số lượng ứng cử viên Cộng hòa hiện ở mức 2 con số, dư luận đánh giá đây là cuộc đua song mã giữa ông Trump và ông DeSantis. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố ở cấp liên bang: Lịch sử có lặp lại? |
Trung Đông-Châu Phi
* Ngoại trưởng Saudi Arabia thăm Iran: Ngày 15/6, Tasnim (Iran) đưa tin Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan sẽ tới thăm Tehran hai ngày sau đó.
Hiện Iran và Saudi Arabia. đang thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ. Trước đó, năm 2016, hai nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao song phương sau vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia, nhằm phản đối vụ Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite. (Reuters)