Bị hoại tử chỏm xương đùi nhưng không chịu phẫu thuật, anh Hải tự điều trị bằng các loại thuốc lá, dẫn đến bệnh tăng nặng, nhiễm trùng, nằm liệt giường 6 tháng.
Anh Vũ Đình Hải (55 tuổi, Lạng Sơn) được đưa đến Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, vào đầu tháng 6 trong tình trạng khớp háng đau dữ dội, teo cơ mông và cơ chi dưới, loét tì đè ở hông và lưng, đường huyết tăng cao…
Anh cho biết trước đó từng thăm khám ở nhiều nơi và được chẩn đoán mắc bệnh hoại tử chỏm xương đùi, cần thay khớp háng để điều trị. Tuy nhiên, vì lo lắng nguy cơ không thể đi lại được sau phẫu thuật và những biến chứng khác nên anh và gia đình đã từ chối phẫu thuật, cố gắng điều trị bằng cách dùng các loại thuốc dân gian. Ai mách ở đâu có thầy lang giỏi, hay được truyền tai bài thuốc gì, gia đình đều tìm tới, từ thuốc nam đến những bài thuốc cổ truyền chưa được kiểm định.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học cho biết, điều này đã tạo điều kiện cho bệnh phát triển nhanh chóng. Trong suốt một năm dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc…, tốc độ hoại tử chỏm xương đùi của người bệnh không những không chậm lại, cơn đau không cải thiện mà đường huyết còn tăng cao, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật.
Ngoài ra, vì người bệnh không thể đi lại, phải nằm trên giường trong 6 tháng liền nên làm tăng tình trạng loãng xương và nguy cơ tạo ra các cục huyết khối, tăng nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng tiểu. Khi nhập viện, tình trạng hoại tử chỏm xương đùi của người bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối, làm biến dạng ổ cói và chỏm xương đùi.
Sau khi bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, người bệnh được chỉ định mổ thay hai khớp háng cùng lúc bằng phương pháp SuperPath. Trước khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh được các bác sĩ khoa nội tiết chỉ định dùng thuốc để ổn định đường huyết.
Phương pháp SuperPath có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp phẫu thuật truyền thống. Đường mổ lách qua bao khớp phía trên, không cắt cơ, không cắt bao khớp, bảo tồn hệ thống gân phía sau khớp háng và phần mềm xung quanh khớp. Nhờ đó, thời gian phẫu thuật được rút ngắn, ít mất máu, người bệnh phục hồi nhanh chóng. Thông thường, sau phẫu thuật một ngày, người bệnh có thể đi lại bình thường với khung tập đi, không đau đớn nhiều.
Chị Vũ Thị Thủy, con gái người bệnh, cho biết vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy những bước chân đầu tiên của bố mình sau bao ngày tháng nằm liệt giường vì bệnh hoại tử chỏm xương đùi. Sự phục hồi vượt ngoài mong đợi của gia đình. Theo tiên lượng ban đầu, người bệnh cần nằm viện 7 ngày để theo dõi, tuy nhiên vì tình trạng phục hồi tốt, chỉ sau 4 ngày anh Hải đã được xuất viện.
“Nếu biết ca phẫu thuật sẽ nhẹ nhàng và phục hồi tốt như thế, tôi và gia đình đã sớm cho bố phẫu thuật, tránh được một khoảng thời gian dài ngược xuôi khắp nơi, điều trị bằng các loại thuốc nam, thuốc bắc… không chỉ gây tốn kém tiền bạc mà còn làm cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn”, chị Thủy nói.
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, gây hoại tử xương và sụn. Khi mắc bệnh, vùng chỏm xương của người bệnh sẽ thưa dần, hình thành những nang xương, lâu dần sẽ gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tàn phế rất cao. Bệnh thường gặp ở những người sử dụng corticosteroid trong thời gian dài, lạm dụng rượu bia, gặp chấn thương trật khớp, gãy cổ xương đùi…
Hoại tử chỏm xương đùi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, sẽ xuất hiện tình trạng đau nhức khớp háng, cơn đau có thể lan xuống mặt trong đùi và trở nên nghiêm trọng khi vận động hoặc đứng lâu. Người bệnh còn gặp khó khăn khi thực hiện các động tác xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép háng, gần như không thể ngồi xổm.
Hoại tử chỏm xương đùi tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân tìm đến BVĐK Tâm Anh thay khớp háng với nguyên nhân hoại tử chỏm xương đùi đang ở độ tuổi lao động, 30-45 tuổi.
Bác sĩ Khoa Học khuyến cáo, đối với bệnh lý hoại tử chỏm xương đùi, nếu đã phát triển đến giai đoạn 3 hoặc 4, có biến dạng chỏm xương đùi, ảnh hưởng đến ổ cối, người bệnh nên phẫu thuật khi được bác sĩ chỉ định. Các nghiên cứu đã chứng minh, ở giai đoạn này, việc điều trị nội khoa bằng thuốc, tế bào gốc… đã không còn hiệu quả, làm lỡ thời gian điều trị. Bên cạnh đó, dù hoại tử chỏm xương đùi không dẫn đến tử vong nhưng việc không thể đi lại trong thời gian dài có thể gây ra những biến chứng rất nặng nề như rối loạn đường huyết, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng đường tiểu, loét thắt lưng, nhiễm trùng huyết, thuyên tắc huyết khối…, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Phi Hồng