Tháo gỡ ách tắc, khơi thông dòng vốn
Trước những biến động khó lường mà thị trường chứng khoán đã trải qua trong khoảng thời gian từ 2020 đến nay, buổi Talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” nhằm mục đích gỡ khó cho các doanh nghiệp niêm yết, kích thích dòng vốn thị trường chứng khoán hiệu quả trong bối cảnh mới, đồng thời để cộng đồng nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư, xem thị trường chứng khoán là nơi sinh lời và gia tăng tài sản.
Theo đó, nhắc đến thực trạng các doanh nghiệp niêm yết mới (IPO) trên thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán cho hay, từ đầu năm đến nay, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới chỉ tiếp nhận 5 hồ sơ IPO, còn hồ sơ chào bán và đăng ký chào bán cũng đang bổ sung, nhưng đều giảm so với cùng kỳ 2022 khoảng 45%, còn phát hành mới chỉ 40% so với năm trước.
Bà Bình nhấn mạnh, để các doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng trên thị trường, giảm thủ tục và không bị lỡ cơ hội chào bán thì doanh nghiệp niêm yết cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn, phương án sử dụng vốn chi tiết, phù hợp, đáp ứng đủ độ minh bạch, rõ ràng để tránh mất thời gian thẩm định của cơ quan quản lý cũng như lỡ cơ hội của doanh nghiệp.
Nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của kênh huy động chứng khoán, ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, chứng khoán là kênh phát hành tuyệt vời dành cho doanh nghiệp, tuy nhiên những sai phạm trong thời gian qua đã làm đứt gãy một kênh huy động vốn này. Do đó, việc cần thiết ở thời điểm này là kiến tạo lại kênh chứng khoán để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn vốn, đồng thời xây dựng năng lực huy động vốn trên thị trường cổ phiếu.
Ngoài ra, sự bền vững của thị trường phụ thuộc rất lớn vào cơ quan quản lý, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Chính phủ cần có những chính sách khắt khe và minh bạch nhằm bình ổn thị trường và kiến tạo một thị trường chứng khoán thu hút được nhà đầu tư trong nước và dòng vốn nước ngoài.
Về phía dòng vốn ngoại, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC) nhận thấy, dòng vốn từ các định chế tài chính sẽ bền vững hơn, lượng hàng hoá tốt hơn. Tuy vậy, dòng vốn cá nhân trong và ngoài nước lại chiếm phần đa số, nếu các chính sách thuận lợi hơn, tự động hoá hơn thì dòng tiền này có thể sẽ lớn mạnh hơn.
Ngoài chính sách vĩ mô, điều quan trọng nhất trên thị trường vẫn là niềm tin. Hồi cuối năm 2022, niềm tin trên thị trường có sự suy giảm cả trong và ngoài nước.
“Đối với doanh nghiệp của tôi, khi các công ty chứng khoán đột ngột cắt giảm margin, mà thời gian để khắc phục ngắn, điều này vô hình dẫn đến hiện tượng bán khống cổ phiếu ra thị trường”, ông Đặng Thành Tâm phát biểu.
Do đó, ông Tâm mong muốn cơ quan quản lý có một số chính sách, cơ chế, quy định cụ thể, thời điểm nào có thể rót thêm vốn, vay thêm tiền để doanh nghiệp kịp thời xoay sở, hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ để các công ty chứng khoán có nguồn bổ sung hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất.
Xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư
Hiện nay, số lượng tài khoản mở mới cũng tăng liên tục những tháng gần đây, thanh khoản có chiều hướng tăng lên, điều này thể hiện nhà đầu tư vẫn bám trụ và chưa hề rời bỏ thị trường.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) có gợi ý cho nhà đầu tư, khi nhìn thấy tín hiệu an toàn hơn và tích cực hơn, nhà đầu tư nên giải ngân vào thời điểm tháng 5, 6, khi Chính phủ đã ban hành các gói chính sách kích cầu kinh tế cùng giải pháp vấn đề tài khoá để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tương tự, ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect cũng nhận, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường không đơn thuần dựa vào các chính sách, vĩ mô mà vấn đề cũng ở bản thân các doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông kiến nghị, các chính sách được đưa ra của cơ quan quản lý nên có sự nhất quán, thông điệp rõ ràng, và xuyên suốt từ các cấp từ Chính phủ tới các bộ ngành để nhà đầu tư nước ngoài dựa vào đó và lựa chọn phương án đầu tư.
Còn đối với nhà đầu tư trong nước, ông Long cho rằng nhà đầu tư luôn cần quan sát biến số mà mình không kiểm soát được, đơn cử như việc nền kinh tế Việt Nam không thể quá bùng nổ được khi kinh tế thế giới còn đang khó khăn, lạm phát ở Mỹ vẫn quá cao và xung đột chính trị leo thang.
Do đó, nhà đầu tư cần quan sát để lựa chọn vị thế đầu tư phù hợp. Ngoài ra, cần có hiểu biết khi sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính và phải nhìn thấy rủi ro khi sử dụng những công cụ đó.
Đây là giai đoạn thị trường bắt đầu hồi phục, nhà đầu tư bắt đầu có niềm tin hơn, nhưng biến số vĩ mô còn quá phức tạp, nhà đầu tư nên cẩn trọng vừa đủ. Để giảm bớt rủi ro ngắn hạn của thị trường, nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn hơn, thay đổi cách tiếp cận đầu tư để có lợi nhuận cao hơn, ông Long cho hay.