Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ DTTS
Nhiều năm qua, việc quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được các cấp, các ngành của tỉnh chú trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS có nhiều chuyển biến tích cực từ cấp xã tới cấp tỉnh; tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện là người DTTS chiếm 34,72% trong tổng số cán bộ toàn tỉnh. Trong đó số cán bộ dân tộc thiểu số dưới 40 chiếm 46,63%; nữ chiếm 63,28%. Về trình độ chuyên môn, đại học trở lên chiếm 58,01%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 28,87%.
Cán bộ người DTTS đang giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 84/234 người, chiếm 35,9%; tham gia cấp ủy cấp tỉnh 20/48 người, chiếm 41,67%. Người DTTS tham gia HĐND cấp tỉnh 30/55 người, chiếm 54,55%. Cán bộ DTTS đang giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý là 290/822 người, chiếm 35,28%; tham gia cấp ủy cấp huyện 96/309 người, chiếm 31,07%; tham gia HĐND cấp huyện 150/252 người, chiếm 59,52%
Đối với cấp xã, tổng số cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 62%, trong đó trình độ đại học chiếm 70,44%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 81%. Cấp ủy viên cấp xã là người dân tộc thiểu số 1.098/1.929 người, chiếm 56,92%; tham gia HĐND cấp xã 1.788/2.992 người, chiếm 59,76%.
Cán bộ xã Thanh Tương (Na Hang) kiểm tra tình hình sản xuất vụ xuân tại thôn Bản Bung.
Công tác quy hoạch cán bộ là người DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thường xuyên bổ sung, đưa vào quy hoạch những cán bộ là người DTTS có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ cao và uy tín trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác quy hoạch được thực hiện liên thông giữa tỉnh và huyện, huyện và xã, giữa các cơ quan, đơn vị… vừa là bổ sung, vừa là tạo nguồn cán bộ hợp lý.
Căn cứ vào quy hoạch cán bộ và yêu cầu tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ người DTTS phát huy năng lực, sở trường. Việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ DTTS nói riêng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai. Cán bộ là người DTTS được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cán bộ DTTS được được quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 – 2025 là 261/821 người, chiếm 31,79%, quy hoạch nhiệm kỳ 2025 – 2030 là 232/721 người, chiếm 32,18%; quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 là 18/62 người, chiếm 29,03%, quy hoạch nhiệm kỳ 2025 – 2030 là 22/68 người, chiếm 32,35%.
Đối với cấp huyện, cán bộ DTTS quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý nhiệm kỳ 2020 – 2025 là 1.407/3.092 người chiếm 45,5%, quy hoạch nhiệm kỳ 2025 – 2030 là 1.315/2.778 người, chiếm 47,34%; quy hoạch cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 là 188/486 người, chiếm 38,68%, quy hoạch nhiệm kỳ 2025 – 2030 là 209/454 người, chiếm 46,04%.
Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS
Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS, các cấp ủy, chính quyền đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch dự báo nguồn cán bộ DTTS để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, nội dung đào tạo gắn với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng đồng bào DTTS nơi cán bộ công tác để hình thành đội ngũ đông về số lượng, giỏi về chuyên môn.
Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ nhiệm kỳ trước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS; thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ DTTS công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa; quan tâm bố trí, sắp xếp, lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ người DTTS và cán bộ chủ chốt cấp xã…
Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã cử gần 5.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong đó có trên 1.600 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm, theo chức danh nghề nghiệp.
Huyện Na Hang có trên 90% dân số là DTTS. Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, những năm qua, Đảng bộ huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động quản lý, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo nguồn cán bộ lâu dài, đảm bảo tính kế thừa và phát triển giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Ban Thường vụ Huyện ủy Na Hang đã lãnh đạo thực hiện công tác luân chuyển, điều động, luân chuyển biệt phái cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương.
Hiện nay, có 9 xã có cán bộ chủ chốt không phải người địa phương. Trong đó, 7 cán bộ thuộc các phòng, ban chuyên môn của huyện được luân chuyển điều động, biệt phái đảm nhiệm các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trên 90% là đảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Huyện Lâm Bình đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với trên 90% cán bộ là người DTTS. Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Lâm Bình là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh thực hiện hoàn thành mục tiêu 100% bí thư cấp ủy tại các đảng bộ xã không phải là người địa phương. Cùng với đó, trong nhiệm kỳ huyện đã cử 105 cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, 114 cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Huyện cũng đã tiến hành quy hoạch 208 lượt cán bộ cấp huyện, 196 lượt cán bộ cấp cơ sở; bổ nhiệm mới 215 đồng chí, bổ nhiệm lại 31 đồng chí, điều động 28 đồng chí cán bộ cấp huyện, xã, các trường học.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người DTTS là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực nghiệp vụ để góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.