Thị xã Nghi Sơn có gần 2.000 phương tiện khai thác thủy sản các loại, cho sản lượng khai thác đạt gần 40.000 tấn thủy sản mỗi năm. Lợi thế về nguồn nguyên liệu đã giúp thị xã sớm hình thành và phát triển ngành chế biến thủy sản (CBTS).
Một cơ sở chế biến thủy sản tại phường Hải Thanh.
Cùng với nghề khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản, nghề CBTS ở Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã sớm hình thành, tuy nhiên một thời gian dài sản phẩm thủy sản chế biến tại đây chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh do quy mô chế biến nhỏ lẻ, thủ công… khiến cho nghề CBTS của địa phương thiếu sự chuyên nghiệp, bền vững, giá trị kinh tế không cao.
Để hướng đến mục tiêu phát triển nghề CBTS bền vững, thị xã Nghi Sơn đã và đang rà soát, tập trung phát triển ngành nghề CBTS tại các vùng cửa lạch có nghề cá phát triển như Hải Thanh, Hải Bình, Hải Châu, Thanh Thủy… Qua đó đưa nghề CBTS dần được phát triển cả về quy mô, phương thức, công nghệ sản xuất. Các sản phẩm từ nghề CBTS cũng theo đó ngày càng trở nên đa dạng và chất lượng. Thị xã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư CBTS, đồng thời định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CBTS đa dạng hóa sản phẩm, không ngừng đổi mới công nghệ trong quá trình chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để thực hiện được mục tiêu, lộ trình phát triển bền vững, thị xã đã và đang chú trọng đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao nhân lực bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành khai thác, quy trình giám sát và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác. Thị xã cũng khuyến khích ngư dân ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật mới trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cho phục vụ chế biến và xuất khẩu. Chỉ đạo các xã, phường tạo điều kiện về đất đai, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích thành lập các HTX liên kết chế biến thủy, hải sản. Tích cực triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở CBTS. Cùng với đó, thị xã cũng tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở, hộ làm nghề chế biến thủy hải sản.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nghề CBTS theo hướng bền vững, đến nay thị xã đã phát triển được 97 doanh nghiệp và hơn 500 cơ sở CBTS. Trong đó, có nhiều công ty CBTS có công suất trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm như Công ty CP Chế biến hải sản Thanh Hoa, Công ty CP Thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải, các HTX, tổ hợp tác CBTS. Đáng chú ý, hiện thị xã đã có 14/21 sản phẩm từ chế biến hải sản đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Hiệp hội chế biến nước mắm Do Xuyên – Ba Làng đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các làng nghề CBTS ở các phường: Hải Thanh, Hải Bình, Hải Châu từng bước mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Nghề CBTS đã và đang giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động, với mức thu nhập 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn Nguyễn Thành Nhân cho biết: Phát triển kinh tế biển là 1 trong 4 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của thị xã Nghi Sơn. Trong đó, chế biến thủy hải sản là một trong các ngành nghề được thị xã chú trọng phát triển. Để thực hiện lộ trình phát triển nghề CBTS theo hướng bền vững, thị xã tiếp tục đẩy mạnh chế biến có giá trị cao, đa dạng các sản phẩm chế biến để tận dụng nguồn nguyên liệu. Thị xã sẽ chú trọng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đối với các sản phẩm CBTS xuất khẩu, thị xã tạo điều kiện về quản lý nguồn gốc của nguyên liệu khai thác, nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các tiêu chuẩn hướng tới sản xuất bền vững nhằm gia tăng tính cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu cũng như đáp ứng các cam kết trong hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Bài và ảnh: Hương Thơm