Nhà vệ sinh trong trường học: Nỗi lo lớn từ chuyện… không nhỏ! – Kỳ cuối: Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động
Việc đầu tư và đưa vào vận hành hiệu quả nhà vệ sinh thân thiện dành cho học sinh đòi hỏi sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, nhất là có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm từ nhiều phía.
Chưa có sự đồng thuận
Theo quy định, nhà trường không có nhân viên chuyên dọn dẹp nhà vệ sinh (NVS), mà học sinh phải tham gia làm vệ sinh trường, lớp, kể cả khu vực này. Ở bậc mầm non, học sinh còn nhỏ, NVS được xây khép kín nên các cô chủ nhiệm lớp phụ trách luôn việc dọn dẹp. Ở các bậc học còn lại, có trường phân công giáo viên, học sinh dọn dẹp; nhiều trường làm tốt công tác xã hội hóa thì thuê nhân viên vệ sinh chuyên nghiệp đến tẩy rửa sạch sẽ.
Trên thực tế, do NVS trong nhà trường không sạch sẽ nên đa số phụ huynh không đồng tình việc con dọn dẹp nơi này. Chị Trần Thị Mến (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), có con đang học Trường Tiểu học số 2 Võ Xán, cho rằng con còn nhỏ, ý thức vệ sinh và bảo vệ bản thân chưa cao, chưa phù hợp với việc tham gia dọn dẹp trong NVS. “Tôi nghiêng về phương án phụ huynh cùng nhà trường xây dựng nguồn quỹ riêng để thuê người quét dọn chuyên nghiệp. Như vậy vừa hiệu quả, chúng tôi lại đỡ lo lắng con mình gặp một số vấn đề như té, ngã”, chị Mến nói.
Học sinh tiểu học còn nhỏ (nhất là những em đầu cấp), việc phụ huynh không đồng tình để con dọn dẹp NVS có thể cảm thông. Vậy nhưng, ngay cả với học sinh THCS và THPT, nhiều phụ huynh vẫn phản ứng quyết liệt. Chị Lê Thị Thơm (ở TX An Nhơn) có con gái học lớp 8 cho biết, NVS trên trường con học không sạch, thoáng, có lúc còn nặng mùi, nhiều khả năng chứa vi khuẩn gây hại cho sức khỏe; nên chị không ủng hộ chuyện để con dọn dẹp NVS.
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn Lý Chiêu Hòa, đa số trường học ở khu vực nội thành Quy Nhơn triển khai giải pháp huy động nguồn lực để cải thiện chất lượng NVS, vì nhiều phụ huynh không muốn con mình “đụng tay”. Quá trình triển khai, đa số trường đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, đúng mục đích. Dù vậy, hầu như hiệu trưởng nào cũng lo ngại chuyện “lời ra tiếng vào”, vì phụ huynh thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, không phải toàn bộ đều đồng thuận.
Để học sinh hết sợ nhà vệ sinh
Việc xây NVS đạt chuẩn, thân thiện với học sinh, theo nhiều hiệu trưởng, cần được nhìn nhận đúng tầm, quan tâm đúng mức. Công trình cần thoáng, mát, thiết bị trong NVS theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Trong NVS có khăn lau tay, xà phòng, giấy vệ sinh và nước tẩy rửa; nền nhà khô ráo, đủ ánh sáng và có độ thông thoáng.
Ở TX Hoài Nhơn, Trường Tiểu học số 1 Hoài Hảo là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng NVS thân thiện, sạch, đẹp dành cho HS. Sáng 18.5, có mặt tại NVS của trường này vào giờ ra chơi, chúng tôi nhìn thấy từng tốp HS đứng rửa tay ở bồn nước, miệng nhẩm theo lời bài hát “Em vẽ môi trường màu xanh” vui nhộn phát ra từ chiếc loa nhỏ gắn trên tường NVS.
Nhà vệ sinh ở Trường Tiểu học số 1 Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn) sạch sẽ, thân thiện với các em nhỏ. |
Lớp trưởng lớp 4A2 Phạm Phương Thảo đứng cùng một số em lớp dưới, chân mang dép nhựa tổ ong, đầu lắc lư theo tiếng nhạc “là lá la”, vui vẻ trò chuyện: “Một trong những điều khiến em thích đến đây là được nghe toàn những bài hát mình yêu thích. Ở đây có nhiều cây xanh mát mắt; những hình ảnh, câu khẩu hiệu được chính thầy cô của trường vẽ rất đẹp trên tường giúp chúng em ghi nhớ việc giữ vệ sinh chung. Em thường nhắc các bạn, các em lớp dưới, rằng trước khi vào NVS phải đổi sang dép nhựa để không bị trơn trợt và không mang chất bẩn từ bên ngoài vào. Đi vệ sinh xong, nhớ phải xả nước, dội cầu để người khác còn dùng”.
Theo Hiệu trưởng Phạm Thị Bình Yên, Trường Tiểu học số 1 Hoài Hảo luôn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, bố trí thời gian hướng dẫn học sinh toàn trường tham gia giữ gìn vệ sinh trường, lớp, nhất là ở khu vực NVS.
“Trường trích khoản tiền chi cho khâu vệ sinh đối với học sinh bán trú để hợp đồng với bảo vệ trường. Ngoài ra, ở khu vực nhà tiểu của cả nam lẫn nữ, trường lắp hệ thống nước xịt tự động, cứ 20 phút xịt 1 lần. Trong các nhà xí, thầy cô còn để sáp thơm khử mùi”, cô Bình Yên cho hay.
Năm 2023, huyện An Lão có kế hoạch xây thêm 1 NVS để giảm tình trạng quá tải cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú An Lão. Bởi sau khi sáp nhập Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Nỉ vào, tổng số học sinh toàn trường đã hơn 400, trong đó khoảng 200 em ăn ở tại trường. “Trường đã có 1 NVS nam, 1 NVS nữ, giờ xây thêm 1 NVS nam nữa. NVS mới sẽ được xây thoáng, mát, lắp thiết bị tiện ích, hy vọng sẽ tiếp tục góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh ở đây”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão Lê Văn Thành cho biết.
Cùng với An Lão, hai huyện miền núi Vân Canh và Vĩnh Thạnh cũng đang nỗ lực phủ kín NVS ở điểm trường lẻ. Để có nguồn nước lâu dài, ổn định dùng trong NVS, các huyện miền núi tổ chức khoan giếng ở những nơi có nguồn nước ngầm. Đồng thời, trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo chú trọng việc liên hệ, lồng ghép kiến thức, hướng dẫn các em những kỹ năng giữ vệ sinh thân thể và vệ sinh chung, nhất là ở khu vực NVS.
“Phòng GD&ĐT huyện An Lão có kế hoạch tổ chức hội thi NVS xanh – sạch – đẹp trong toàn ngành để khuyến khích các trường thi đua làm tốt. Việc trang bị, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho học sinh là hành trình dài – từ gia đình, nhà trường, ra xã hội, cần thời gian thực hiện theo kiểu “mưa lâu thấm đất”, đặc biệt cần sự phối hợp của phụ huynh. Suy cho cùng, là người trực tiếp sử dụng NVS, các em phải được trang bị kiến thức, kỹ năng và có hành động đúng”, ông Thành chia sẻ.
Hình thành tư duy giữ vệ sinh cho trẻ từ nhỏ là điều quan trọng và cần thiết. |
Nhà vệ sinh phải là công trình chính
Phát biểu tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chúng ta thường tính “công trình chính” là trường, lớp, phòng thư viện, nhà thể chất, sân TDTT, còn NVS, nhà bếp là “công trình phụ”. Bây giờ phải suy nghĩ NVS và nhà bếp cũng là những công trình chính trong trường học. Phải từ tư duy, nhận thức mới chuyển thành hành động, tổ chức thực hiện cụ thể. Vì nhận thức là “công trình phụ” nên còn thừa đất chỗ nào, nguyên vật liệu dư thừa thì mang xây dựng NVS và nhà bếp.
“Bây giờ phải suy nghĩ nhà vệ sinh và nhà bếp cũng là những công trình chính trong trường học. Phải từ tư duy, nhận thức mới chuyển thành hành động, tổ chức thực hiện cụ thể”. Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH |
“Nhưng thực chất đây là hai cái rất quan trọng. Học sinh có yêu trường lớp hay không cũng một phần bởi các công trình vệ sinh và nhà ăn. Việc này rất đáng để các cơ quan quản lý, các bộ ngành và các địa phương suy nghĩ”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng cần phục vụ đặc biệt; cần coi trọng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang sức khỏe thể chất.
Phải khẳng định rằng, xây NVS không đơn giản như việc xây phòng học, phòng bộ môn hay khu hiệu bộ, bởi kinh phí lớn, phải xây ở nơi có nguồn nước, phải bố trí khoản tiền nhất định cho công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị bị hư, hỏng… Tại một số trường, điểm trường, NVS sử dụng hệ thống nước của thôn, xã còn cần đến sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương, nhất là khi nắng nóng kéo dài hay mưa lớn gây sạt lở ảnh hưởng đến đường ống nước. Đã “ưu ái” đưa NVS thông minh về trường thì lấy đâu nguồn kinh phí đối ứng để hoàn thiện và đưa NVS vào sử dụng hiệu quả cũng là chuyện phải tính đến.
Suy nghĩ ấu trĩ NVS là công trình phụ bắt buộc phải thay đổi. Ngoài ra, có NVS cũng chưa đủ, mà phải đảm bảo có đủ tiểu treo, xí cho học sinh dùng; NVS phải được bố trí theo tầng, dãy phòng học hoặc ở cùng khu nhà, để học sinh không phải đội mưa, đội nắng, di chuyển xa mới đến được. Việc tiếp nhận những khoản tài trợ kinh phí xây NVS, nhất là cho điểm lẻ của các trường thời gian tới cần được cân nhắc, xem xét, tính toán hết sức kỹ lưỡng, tránh tình trạng đầu tư xong nhưng không sử dụng hiệu quả.
NGỌC TÚ – HỒNG PHÚC – DƯƠNG LINH