Chỉ còn một thời gian ngắn, hơn 15.400 thí sinh trong tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trước tâm trạng lo lắng của học sinh, các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong ôn tập thi tốt nghiệp THPT và những thủ khoa của tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước đã chia sẻ bí quyết để ôn luyện và làm bài thi đạt điểm cao.
Là sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Y Hà Nội và cựu thủ khoa khối B của tỉnh, lọt top 50 thí sinh có điểm thi khối B cao nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, em Nguyễn Mạnh Chuẩn “bật mí” phương pháp ôn luyện giúp học sinh lớp 12 tự tin hơn ở các môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên. Theo Nguyễn Mạnh Chuẩn, học sinh khối 12 cần nắm chắc lý thuyết các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và tập trung luyện đề. Trong quá trình luyện đề thi, cần phân bổ khoảng thời gian hợp lý cho các môn và tạo áp lực thời gian để mỗi học sinh biết mức độ hoàn thành các đề thi của mình. Trên lớp chú ý nghe thầy, cô giáo giảng bài thật kỹ, nắm vững lý thuyết. Về nhà ôn tập lại và giải nhiều bài tập để nắm vững và nhớ dạng bài tập. Đối với các môn lý thuyết, nên học nhiều lần và nắm ý chính, liên hệ các kiến thức với nhau sẽ nhớ lâu hơn và đặc biệt phải giải nhiều đề trắc nghiệm, xem lại câu sai để không mắc lỗi lần nữa. Càng gần ngày thi, mỗi học sinh cần bố trí thời gian ăn, ngủ điều độ, đọc lại những gì mình thấy là cần thiết, tốt nhất ko nên lướt facebook hay nghe những thông tin xung quanh vì dễ dẫn đến mất tập trung. Đặc biệt, sau mỗi môn thi, các em không nên xem đáp áp của môn đó mà tập trung chuẩn bị kiến thức cho các môn tiếp theo.
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Mai Anh Tú, cựu học sinh Trường THPT Kim Động (Kim Động) xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh trở thành người có tổng số điểm thi tốt nghiệp cao nhất toàn tỉnh. Chia sẻ kinh nghiệm, Mai Anh Tú cho biết, các em cần phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, nếu chưa hiểu vấn đề phải hỏi ngay thầy, cô hoặc các bạn. Đối với môn Lịch sử, cần ghi nhớ rất nhiều con số đến sự kiện, thí sinh nên sắp xếp các sự kiện theo trình tự thời gian để nhanh thuộc và dễ nhớ. Đối với môn Địa lý, cần phải học kỹ các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, chú ý luyện cách xem Atlat Địa lý Việt Nam thật tốt để có thể tận dụng hiệu quả công dụng của nó, phân tích các kỹ năng nhìn nhận biểu đồ và bảng số liệu. Riêng môn Tiếng Anh, nên hệ thống lại kiến thức ngữ pháp và ôn tập từ vựng theo từng chủ đề. Phần đọc hiểu có thể sẽ phụ thuộc vào vốn từ của mỗi người, song cần chắc chắn làm đúng những câu ngữ pháp. Thời điểm này, các em có thể tổng hợp ôn tập kiến thức từ các đề đã luyện và rút ra những lỗi sai hay kiến thức đang bị hổng để kịp thời bổ khuyết trước khi bước vào kỳ thi. Đối với các môn thi trắc nghiệm, các em nên học chắc kiến thức, sau đó luyện đề để quen dạng thức câu hỏi và ghi nhớ. Khi luyện đề, cần bám sát sách giáo khoa – đây là nguồn tài liệu quan trọng nhất cần nắm vững, tiếp đó mới tham khảo các tài liệu khác.
Với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi tốt nghiệp THPT, cô giáo Phạm Thị Phấn, giáo viên dạy môn Văn, Trường THPT Văn Lâm (Văn Lâm) cho biết: Đối với môn Văn, phần đọc hiểu, học sinh cần ghi nhớ các kiến thức cơ bản gồm: Lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ và tác dụng; luyện đề thường xuyên để rèn độ nhạy, tăng khả năng phân tích và nắm bắt vấn đề từ văn bản đọc hiểu; xây dựng thói quen gạch chân các từ khóa, các câu lệnh trong đề để trả lời chính xác, trọng tâm và không sót ý. Đối với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần nắm chắc các dạng nghị luận xã hội và từng bước làm bài đối với mỗi dạng đề cụ thể. Riêng phần nghị luận văn học chiếm nhiều điểm trong bài thi nên học sinh cần ôn kỹ kiến thức cơ bản của tác phẩm như: Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hình tượng nghệ thuật, cảm xúc trữ tình; chú ý lập dàn bài tổng quát để có sườn căn bản, từ đó triển khai phân tích, bình luận tác phẩm không bị thiếu ý. Ngoài ra, thí sinh còn phải xây dựng vốn hiểu biết xã hội phong phú, sâu rộng, cập nhật tin tức mang tính thời sự qua việc thường xuyên đọc báo, xem tivi, nghe thời sự… Từ đó, đưa ra những dẫn chứng cụ thể và liên hệ thiết thực với bản thân.
Chia sẻ kinh nghiệm làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Toán, thầy giáo Phạm Trịnh Cương Chính, giáo viên dạy môn Toán Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Ân Thi) cho biết, đối với môn Toán, các em phải nắm vững lý thuyết để có thể vận dụng ở những trường hợp đề thi thay đổi cách hỏi thì vẫn có thể làm được. Môn Toán với 50 câu hỏi trắc nghiệm, việc đầu tiên sau khi nhận đề thi, thí sinh cần đọc lướt qua toàn bộ bài thi. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần làm trước những câu hỏi dễ, câu khó làm sau, tránh trường hợp dồn quá nhiều thời gian cho một câu hỏi. Với những câu hỏi dễ, thí sinh không nên chủ quan mà cần tính toán và kiểm tra lại 1 lượt, sau đó tô thật chính xác vào phiếu. Đối với những câu hỏi mang tính chất vận dụng, thí sinh cần đọc kỹ nội dung đề, liên hệ các công thức mà thầy, cô đã dạy trên lớp để giải quyết. Với những câu mang tính chất vận dụng cao ở những câu hỏi cuối đề thi để phân loại thí sinh, cần linh hoạt áp dụng tổng thể các kiến thức toán học, các biện pháp suy luận loại suy để tìm ra phương án tốt nhất cho bài làm. Sau khi thực hiện các quy trình ở các câu hỏi, thí sinh cần rà soát lại một lần nữa, tới giờ gần nộp bài nếu chưa tìm được đáp án, thí sinh cũng cần chọn theo yếu tố may mắn, không nên bỏ sót bất kỳ câu hỏi nào.
Vũ Huế