Vướng mắc lớn nhất, theo báo cáo của Sở GTVT Bình Thuận là hiện nay các đài dẫn đường bay, trận địa pháo và đường giao thông đấu nối của dự án vẫn chưa được các địa phương bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công của Bộ Quốc phòng. Nguyên do, các địa phương chưa trình tỉnh phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, làm cơ sở để tính tiền bồi thường.
Nhưng đó chưa phải là vướng mắc duy nhất. Một số diện tích đất rừng chưa được đưa vào kế hoạch chuyển đổi công năng sử dụng. Bên cạnh đó còn có công trình kiến trúc sát với sân bay bị ảnh hưởng độ tĩnh không của máy bay, chưa được xử lý.
Công bằng mà nói, UBND tỉnh Bình Thuận đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, với các cơ quan chuyên môn về những công việc này. Cụ thể, ngày 17.5 vừa qua, UBND tỉnh giao cụ thể từng công việc cho các sở như GTVT, Tài chính, KH-ĐT và đặc biệt là 3 địa phương có mặt bằng phải bàn giao cho dự án.
Hôm 13.6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng một lần nữa “cầm tay chỉ việc” với từng cơ quan, đơn vị; trong đó ông Dũng yêu cầu UBND TP.Phan Thiết, các huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chậm nhất là ngày 15.6 phải hoàn chỉnh hồ sơ hệ số K trình Sở TN-MT phê duyệt, làm cơ sở để đền bù.
Dự án sân bay Phan Thiết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định dự án không thể kịp tiến độ triển khai theo tinh thần chỉ đạo của các cấp, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Bình Thuận ngày 31.8.2022. Nói như ông Đoàn Anh Dũng, địa phương phải vận dụng linh hoạt, làm với trách nhiệm cao nhất vì sự phát triển chung của tỉnh. Nhưng trước mắt, “nút thắt” ở dự án sân bay Phan Thiết cần có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể và khẩn trương được tháo gỡ.