Nằm tại bản Mố Kiệc, xã Quảng Sơn, cách khá xa với trung tâm huyện Hải Hà, thế nhưng khi hỏi nhà của bà Chìu Thị Lan, bà con trong thôn, bản và nhiều người trong huyện đều biết, bởi bà là người có nhiều đóng góp tích cực trong việc lưu giữ và truyền dạy những nét văn hóa truyền thống, nổi bật là cách vấn tóc độc đáo cho phụ nữ Dao Thanh Y.
Xã Quảng Sơn là xã vùng cao của huyện Hải Hà với 90% bà con là người dân tộc Dao Thanh Y. Đồng bào Dao Thanh Y ở đây đã gìn giữ được gần như nguyên vẹn các nét truyền thống văn hóa dân tộc mình từ trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán đến các nét sinh hoạt thường ngày.
Đối với phụ nữ Dao Thanh Y, ngoài bộ trang phục truyền thống làm tôn lên nét đẹp văn hóa của dân tộc mình thì chị em còn có cách vấn tóc độc đáo. Hầu hết phụ nữ Dao Thanh Y để tóc dài rẽ ngôi, quấn sau gáy và quanh đầu, vấn lên thành búi. Các búi lại cột chặt với nhau bằng sợi len có màu sắc sặc sỡ và phủ thêm lên trên đỉnh búi tóc một chiếc khăn nhỏ được thêu hoa văn nhiều màu sắc và họa tiết cầu kỳ… Để bới được một bộ tóc phải mất ít nhất một giờ đồng hồ với người chưa quen tay. Người tết tóc cũng phải là người khéo tay và có tính nhẫn nại, kiên trì.
Vốn là người khéo tay, từ bé bà Lan đã thích được mẹ dạy các nghề may vá, thêu thùa của phụ nữ Dao Thanh Y. Đối với việc vấn tóc cũng vậy, dù khá nhiều công đoạn cầu kỳ, nhưng chỉ sau vài lần được mẹ chỉ dạy, bà Lan đã tự vấn tóc được cho chính mình. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên bà làm, đó là thay bộ trang phục truyền thống và tự vấn tóc cho mình. Bà tự vấn tóc từ năm 16 tuổi đến nay cũng hơn 30 năm rồi. Giờ quen tay không cần gương, hay người hỗ trợ, tự bà cũng vấn được bộ tóc gọn gàng.
Bà Lan chia sẻ: Ở bản Mố Kiệc giờ không còn nhiều người biết vấn tóc, vì vậy tôi luôn cố gắng truyền dạy lại cho con cháu trong nhà cũng như chị em, phụ nữ trẻ trong xã về nghệ thuật vấn tóc của dân tộc Dao Thanh Y. Mỗi khi các chị em có việc như đám cưới, đám hỏi hay đi dự hội, cần làm đẹp là lại đến nhờ tôi giúp. Vừa làm, tôi vừa hướng dẫn mọi người với mong muốn những nét đẹp văn hóa của quê hương sẽ được lưu truyền thật lâu bền.
Đặc biệt, khi các tiết học ngoại khóa về văn hóa dân tộc được đưa vào triển khai trong các trường học, bà Lan lại nhận được nhiều lời mời đến các trường trên địa bàn huyện để truyền dạy cách vấn tóc. Bà đã tận tình giảng giải về ý nghĩa của tục vấn tóc truyền thống, cầm tay chỉ việc đến khi học sinh hiểu cách làm và có thể tự thực hành được. Mỗi một bạn trẻ biết vấn tóc là văn hóa dân tộc được lưu truyền, mỗi một học sinh biết yêu và biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào mình là bà Lan cảm thấy phấn khởi, thấy vui trong lòng.
Cô giáo Hà Thị Sin, Trường PTDT bán trú THCS Quảng Sơn (Hải Hà), chia sẻ: Từ khi nhà trường tổ chức những hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc thì bà Lan đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc truyền dạy cách thêu trang phục cũng như cách vấn tóc của người Dao Thanh Y cho học sinh. Qua những buổi truyền dạy của bà, không chỉ học sinh mà ngay cả các giáo viên cũng được học, được biết nhiều hơn về văn hóa của dân tộc mình.
Bằng sự tâm huyết, tình yêu đối với các giá trị văn hóa dân gian mà cha ông để lại, bà Chìu Thị Lan vẫn ngày ngày miệt mài bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc với tất cả sự trân trọng, nâng niu. Mỗi dịp lễ hội, nhìn bà con trong thôn bản xúng xính trảy hội, tóc vấn gọn gàng đúng kiểu truyền thống, đó chính là niềm vui, là động lực to lớn để bà Lan tiếp tục giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Trong lòng mỗi người dân ở bản Mố Kiệc, bà Lan chính là nghệ nhân của bản làng – người đã, đang và sẽ tiếp tục trao truyền, vun đắp niềm đam mê, tình yêu với văn hóa truyền thống, cội nguồn cho thế hệ trẻ quê hương.