Không dạy, người Dao sẽ “mất gốc”
Ngay từ những năm 90, ông Tẩn Vần Siệu đã lo lắng vì sự mai một của ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình. Ông suy tư, vận động mãi người dân, ai cũng chỉ lo cơm áo, gạo tiền, không màng đến việc gìn giữ văn hóa truyền thống.
“Nếu không truyền dạy lại thì con cháu càng ngày càng mất đi văn hóa dân tộc. Không còn chữ Nôm Dao cổ thì người Dao chả còn là chính mình nữa. Khi không còn lưu giữ văn hóa, không có kiến thức, sẽ bị văn hóa ngoại lai điều khiển mình như con rối, mất đi dân tộc nên tôi nghĩ đến việc phải gìn giữ bằng giảng dạy, đi vận động các nơi để tìm kiếm tư liệu. Càng dạy cho con cháu, tôi càng thấy trách nhiệm của mình phải gìn giữ văn hóa dân tộc Dao”, ông Siệu bày tỏ.
Một biến cố lớn đến với cuộc đời ông khi còn trẻ khiến ông mất đi một tay và một bên mắt. Sau nhiều năm tự “cầm tù” mình trong ngôi nhà chật hẹp, ông thấy mình không thể buông bỏ những ước mơ được làm thầy. Là người tâm huyết với công việc bảo tồn chữ viết cổ, phong tục tập quán của người Dao, năm 1992, ông bắt đầu mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu, học trò.
Trước đó, từ năm 1981, ông đã thực hành viết các giáo trình, chép các tài liệu để dạy chữ Nôm Dao, đồng thời nhằm mục đích lưu giữ cho con cháu sau này. Trong hành trang ấy, ông đã viết được nhiều cuốn sách. “Thông sâu” là cuốn sách xem ngày tốt xấu, nội dung cuốn sách chứa đựng cả một kho tàng tri thức dân gian. Năm 1985, sách “Nghi lễ cấp sắc” ghi lại các nghi lễ và các điều cấm kỵ được ông chép để sử dụng trong cộng đồng người Dao tại thôn Tả Chải.
Từ sách ông chép và tài liệu sưu tầm, nghiên cứu, thời gian trước năm 2015, ông đã mở lớp tại gia đình để truyền dạy cho 452 học trò nam, ở lứa tuổi từ 6-35. Trải qua nhiều năm, ông đã trở thành “người thầy của nhiều thế hệ học trò” trong đồng bào Dao tại thị xã Sa Pa và các địa phương khác.
Ngoài việc mở lớp dạy học, ông không ngại bôn ba đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang và Lai Châu để tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, bản sắc của dân tộc Dao để nghiên cứu, bổ sung vào sách, tài liệu truyền dạy những phong tục tập quán tốt đẹp.
Những lớp học đầu tiên học trong căn nhà nhỏ của ông, chủ yếu là con cháu, rồi dần lớp học thu hút bà con trong bản. Học trò góp sách, bút, mực, ăn chung, ngủ chung với gia đình ông tại căn nhà nhỏ ở xã Tả Phìn, học chữ viết cổ. Tiếng đồn vang xa, nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác cũng về nhà ông Siệu học.
Lưu trữ chữ viết chưa đủ, điều ông mong mỏi là bà con dân tộc Dao vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc mình, vừa phải xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Bởi vậy, ông phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức gặp mặt các thầy cúng, người có uy tín trên địa bàn thị xã Sa Pa để tuyên truyền, vận động, sửa đổi các bài cúng, phong tục tập quán lạc hậu không phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương. Trong đó, ông quan tâm, chú trọng việc vận động các thầy cúng, người có uy tín thay đổi các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, tang ma như việc thách cưới, công thầy cúng,…
Năm 2016, ông được cộng đồng người Dao tỉnh Thái Nguyên mời sang thôn Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ mở một lớp với 31 học trò là con em đồng bào Dao, dạy 30 ngày tại nhà ông Triệu Tiến Phan.
Sau đó, ông Siệu đã tư vấn giúp đỡ ông Thuận tiếp tục mở 2 lớp với 37 học trò, thời gian học 3 tháng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền dạy, ông đã tham dự 2 hội thảo tại Hà Nội về bảo tồn chữ viết và dạy học cho thanh thiếu niên ở các làng người Dao.
Người lưu giữ linh hồn văn hóa dân tộc Dao
Ông Tẩn Vần Siệu được sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy và học chữ Nôm Dao. Bố ông là Lý Sài Vạn là thầy dạy có tiếng ở vùng Tả Phìn, Sa Pa những năm 1970-1995.
Ngay từ lúc 7 tuổi, ông và các bạn cùng trang lứa theo cha học và đọc thuộc lòng các cuốn sách giảng dạy về chữ Nôm Dao và các bài cúng. Mỗi năm cha ông chỉ dạy học một lần vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian dạy từ ngày mồng 1 tết cho đến hết ngày rằm tháng Giêng.
Trong thời gian học, ông luôn luôn chăm chỉ học hành, chăm chú lắng nghe bài giảng để nhận biết mặt chữ, các nét viết và ý nghĩa của các từ thầy dạy. Những lúc đi làm nương hay đi lên rừng ông cũng mang theo sách, khi có thời gian rảnh rỗi là ông lại đem sách ra để đọc và ghi nhớ các bài thầy dạy.
Người Dao có truyền thống, khi con trai đủ 6 tuổi trở lên, họ sẽ gửi đến nhà thầy học đạo lý làm người, học chữ Nôm Dao và học các bài cúng như cúng tổ tiên, cúng rằm, cúng cầu may, cầu mùa…
Ông miệt mài học chữ, học đạo đức làm người, đến năm 17 tuổi, ông đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca. Lúc này, cha hướng dẫn và chỉ bảo ông thực hành một số bài cúng đơn giản như cúng tổ tiên, cúng rằm… của dân tộc Dao.
Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, ông được chứng kiến toàn bộ các phong tục tập quán liên quan đến chu kỳ vòng đời người như cưới xin, lễ hội, tín ngưỡng, các bài hát, điệu múa và các tri thức dân gian trong lao động sản xuất, kinh nghiệm làm nhà. Ông tìm hiểu cặn kẽ những phong tục này từ người cha, người thầy và các cụ ông am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc trong vùng.
“Tôi học hỏi, tích lũy và đúc kết kinh nghiệm quý báu nhằm mục đích sau này truyền lại chữ Nôm Dao, bài cúng, tri thức trong canh tác sản xuất… cho các con, cháu trong gia đình, dòng họ và cho cả cộng đồng người Dao ở trong vùng cũng như các vùng lân cận. Có người học hơn 10 năm rồi, có người ở lại hỗ trợ tôi tiếp tục dạy các em nhỏ”, ánh mắt ông Siệu ánh lên vẻ tự hào.
Từ năm 2016 đến nay, ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân cho con em theo các lớp học và trực tiếp dạy chữ viết cổ Nôm Dao, giảng giải về phong tục tập quán, đạo làm người,… với tinh thần tích cực, tâm huyết, miệt mài trong công tác truyền dạy. Đến nay, ông đã tổ chức được 12 lớp học (mỗi lớp có từ 25-65 học trò), nâng tổng số học trò đã được ông truyền dạy lên 738 người.
Các học trò của ông trong quá trình học đều tiếp thu nhanh, nhớ mặt chữ giỏi và đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu như: Chảo Vần Siệu, Chảo Vần Nhàn, Lý Quẩy Vạn ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn,…
Với tâm nguyện dạy chữ Nôm Dao cho các thế hệ học trò để lưu giữ ngôn ngữ dân tộc Dao nên ông không lấy tiền công trong truyền dạy mà còn cho học trò ăn và ở cùng gia đình trong vòng 45 ngày.
“Một học trò để đọc thông, viết thạo phải theo học 3 năm liên tục. Trong năm đầu và năm thứ hai, tôi dạy chữ và cách đọc thuộc lòng, nhận thức về đạo lý làm người. Trải qua hai năm học, các trò đã đọc thông, viết thạo chữ Nôm Dao. Đến năm thứ 3, các trò được dạy các bài cúng, bài hát dân tộc Dao và cách thức tổ chức các nghi lễ như lễ cấp sắc, lễ cúng ngày tết, ngày rằm,…
Học trò trong lớp, ngoài các thanh thiếu niên dân tộc Dao ở thị xã Sa Pa, còn có cả học trò người Dao ở các huyện Văn Bàn, Bát Xát,… và các tỉnh cũng tìm đến xin theo học”, thầy Siệu cho hay.
Bên cạnh việc dạy học, ông còn nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ cho các thầy chữ nho khác, cung cấp giáo trình dạy học, như giúp ông Lý Phù Tình, thôn Giàng Tà Chải Dao, xã Tả Van mở 2 lớp với tổng số 29 học viên là cộng đồng người Dao Đỏ.
Trao truyền vì thế hệ trẻ người Dao
Gần 20 năm trên hành trình dạy tiếng Dao, ông Tẩn Văn Siệu đã đã biên dịch xong cuốn sách “Giáo lý” với số lượng 85 trang từ chữ Nôm Dao sang tiếng Việt cho Trung tâm Phát triển bền vững miền núi Bảo tồn bản sắc. Trung tâm đã sử dụng cuốn sách này làm giáo trình dạy chữ cho các học trò người Dao ở các tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống.
Bên cạnh đó, ông còn là cộng tác viên tích cực của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, thường xuyên cung cấp thông tin về sách cổ; phong tục tập quán và đặc biệt chia sẻ các kinh nghiệm khai mở ruộng bậc thang thuộc Đề tài NaFosTed “Ứng xử văn hóa người Dao với môi trường”.
Ông cũng miệt mài trong hành trình đi điền dã, nghiên cứu cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân bản để có thêm thông tin kiến thức vào việc phục dựng, chép lại các cuốn sách cổ mà ông cha để lại với mục đích lưu giữ cho con cháu sau này. Cũng từ nghiên cứu, am tường chữ cổ Nôm Dao, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu còn nắm bắt được các tri thức về cây thuốc, các vị thuốc nam của người Dao đỏ, nên đã vận dụng những kiến thức này vào cuộc sống hàng ngày để chữa trị các bệnh cho người bị sỏi thận, dạ dày…
Với những việc làm ý nghĩa, thành quả đem lại và đóng góp không nhỏ cho công tác bảo tồn chữ viết cổ và phong tục tập quán của người Dao nhiều năm qua, ông đã được Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương ghi nhận, tôn vinh, các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh tặng thưởng nhiều Bằng khen, danh hiệu, phần thưởng cao quý.
Năm 2010, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và xóa đói, giảm nghèo” lần thứ VII, giai đoạn 2006-2010.
Năm 2011, ông được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu“Nghệ nhân Dân gian”.
Năm 2012, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Chứng nhận“Là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của dân tộc,… và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương… “Nghệ nhân Dân gian dân tộc Dao, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Năm 2020, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Lào Cai giai đoạn 2000-2020.
Năm 2021, ông được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng Khen vì “có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021”.
Năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân.
Nghệ nhân Nhân Dân Tẩn Vần Siệu tâm sự, những gì ông làm đang tiếp tục được con gái nối tiếp. Điều ông mong mỏi là những người mang dòng máu dân tộc Dao đều có nhận thức để trưởng thành nên người, có tấm lòng nhớ tới tổ tiên của mình, nâng cao nhận thức giữ gìn văn hóa dân tộc, không bị thế lực bên ngoài tác động.
“Mình rồi sẽ già đi, nếu không vận động con cháu, học trò tiếp tục lưu trữ, trao truyền thì mất văn hóa, sẽ mất dân tộc”, ông Siệu chia sẻ. Bởi vậy, khi nhìn thấy những học trò ham học hỏi, về mở lớp dạy tại địa phương là người thầy như ông Siệu thấy tâm huyết của mình đã được đền đáp.
Hành trình không mỏi ấy của Nghệ nhân Nhân Dân Tẩn Vần Siệu đã được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh là 1 trong 75 gương mặt điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ sau khi nhận Bằng khen, ông Tẩn Vần Siệu nói, những năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên ông bị ngắt quãng hành trình điền dã, sưu tầm. “Đợt này, tôi sẽ tiếp tục trở lại, cố gắng sưu tầm được càng nhiều càng tốt để lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Dao cho con cháu sau này”, ông Siệu bày tỏ tâm huyết.