Qua 5 tháng đầu năm, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở nên tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc; trong đó nhiều ngành, lĩnh vực đã có bước tăng tốc mạnh mẽ.
Qua 5 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả khởi sắc.
Điểm sáng nông – công nghiệp
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp) trong 5 tháng đầu năm đạt 4,19%, đây được xem là mức tăng trưởng đạt cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay. Để có được kết quả ấn tượng trên thì từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở không ngừng quan tâm chỉ đạo, vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Qua đây, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó mang lại giá trị cao cho người nông dân.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo sản xuất đạt thắng lợi trên các mặt trong vụ lúa Đông xuân vừa qua, với tổng diện tích hơn 75.500ha, năng suất bình quân đạt 7,81 tấn/ha, sản lượng gần 600.000 tấn lúa. Riêng diện tích lúa Hè thu đang canh tác thì diện tích xuống giống được 75.000ha, đạt 100% kế hoạch, hiện lúa đang trong giai đoạn mạ đến trổ chín, trong đó có nhiều diện tích sắp thu hoạch. Theo đánh giá của nông dân thì đợt thu hoạch lúa Hè thu sắp tới sẽ hứa hẹn nhiều mặt tích cực về năng suất và giá bán.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Cùng với cây lúa thì diện tích cây ăn trái của tỉnh cũng tăng 1,9% so với cùng kỳ và hiện đạt gần 45.500ha. Trong đó, nông dân trong tỉnh đang tập trung phát triển các loại cây ăn trái có lợi thế và phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh là xoài 2.907ha, mít 9.972ha, mãng cầu 692ha, khóm 3.103ha, sầu riêng 2.296ha, cây có múi 12.341ha… Bên cạnh đó, diện tích rau màu gieo trồng qua 5 tháng đầu năm ước được 11.596ha, tăng 8,58% so với cùng kỳ; ước sản lượng được 121.699 tấn, tăng 9,12% so với cùng kỳ. Mặt khác, diện tích nuôi thủy sản được 3.655ha, đạt 40,16% kế hoạch, tăng 1,48% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản ước được 26.822 tấn, tăng 3,42% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Ngô Minh Long, về nhiệm vụ trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sản xuất đạt thắng lợi trên các mặt của vụ lúa Hè thu, cũng như chăm sóc tốt rau màu, cây ăn trái…; đồng thời giám sát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và triển khai công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đảm bảo hiệu quả. Toàn ngành phấn đấu tăng thêm 2.000ha thủy sản và rau màu so với chỉ tiêu ban đầu.
Cùng chia sẻ những tín hiệu tích cực trong hoạt động công nghiệp và thương mại – dịch vụ qua 5 tháng đầu năm, lãnh đạo ngành công thương tỉnh thông tin hiện giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 14.498 tỉ đồng, tăng 13,09% so với cùng kỳ và đạt 37,19% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,91% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,26%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng tăng 248,33%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,79%. Chỉ số IPP dự tính 5 tháng tăng 13,92% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho hay: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 330 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn 1.129 tỉ đồng. Ngoài ra, hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh các loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ qua 5 tháng đầu năm đạt 23.326 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ, đạt 45,29% kế hoạch.
Sạt lở bờ sông đang là nỗi lo lớn của người dân và ngành chức năng trong tỉnh.
Nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành và địa phương trong tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; trong đó vấn đề nổi cộm hiện nay là tình hình sạt lở bờ sông ngày càng xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thông tin: Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 43 điểm sạt lở bờ sông, tăng 11 điểm so với cùng kỳ, tổng chiều dài sạt lở là 985m, diện tích mất đất là 5.495m2, ước thiệt hại hơn 3,1 tỉ đồng. Các địa phương có xảy ra sạt lở là huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; trong đó, huyện Châu Thành là địa phương có số vụ sạt lở bờ sông nhiều nhất. Điều may mắn là sạt lở không gây thiệt hại về người mà chỉ thiệt hại về vật kiến trúc, hoa màu, lộ giao thông… Các địa phương có xảy ra sạt lở đã và đang tổ chức khắc phục sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh tình hình sạt lở thì một số ngành sản xuất sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành. Cụ thể, sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản giảm 23,75%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 13,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,82%. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như: sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn sau đại dịch Covid-19; giá xăng, dầu tăng liên tục đã làm lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; giá nhiều mặt hàng trên thế giới tiếp tục có xu hướng tăng, gây nhiều áp lực lên giá nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp.
Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho hay: Để không ngừng thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và thương mại – dịch vụ phát triển, thời gian tới, ngành công thương tỉnh sẽ phối hợp với các ngành có liên quan thành lập đoàn công tác đi thăm và làm việc với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trước mắt, sở đề nghị các ngành có liên quan của tỉnh, huyện có giải pháp tháo nút thắt trong vấn đề làm hồ sơ, thủ tục được sớm cho doanh nghiệp.
Ngoài 2 vấn đề trên thì tình hình dịch bệnh trên người cũng là nỗi lo không nhỏ cho ngành chức năng và người dân trong tỉnh. Theo báo cáo của ngành y tế, qua 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận có 467 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 458 ca so với cùng kỳ; có 200 ca mắc bệnh tay – chân – miệng, tăng 190 ca so với cùng kỳ; có 100 ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có 6 ca đang được điều trị, không có ca tử vong.
Trước những khó khăn đang đặt ra, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các cơ quan, ban, ngành tỉnh, địa phương trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo kế hoạch năm đã đề ra. Trong đó, các ngành có liên quan cấp bách triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, phương án ứng phó với thiên tai, nhất là tình hình sạt lở bờ sông và giông lốc. UBND tỉnh thống nhất chủ trương, chính sách hỗ trợ và trình tự, thủ tục thu hồi đất để triển khai thực hiện dự án: Di dời dân cấp bách do thiên tai và xây dựng đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành và dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư khu vực thiên tai, sạt lở sông Cái Côn, huyện Châu Thành.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng có liên quan cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, ngành y tế tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là hạn chế tối đa số ca mắc mới; đồng thời nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng, chống dịch bệnh cho người dân. Song song đó là thực hiện giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra; cũng như triển khai tốt các chiến dịch vệ sinh môi trường…
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC