Nghiên cứu được công bố bởi Nature Communications cho biết, dữ liệu vệ tinh cho thấy lượng nước được cô lập trong 7.245 hồ chứa trên khắp thế giới đã giảm từ năm 1999 đến năm 2018, mặc dù thể tích hồ chứa hàng năm tăng 28 km3.
Huilin Gao từ Đại học Texas A&M, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết biến đổi khí hậu là một “yếu tố quan trọng” trong việc giảm hiệu quả hồ chứa, nhưng nhu cầu nước tăng cũng đóng một vai trò. “Ngay cả khi nhiệt độ ngừng tăng, nhu cầu ngày càng tăng và xây dựng mới có thể sẽ tiếp tục”, ông nói thêm.
Sự suy giảm về dung tích lưu trữ tập trung ở Nam bán cầu, đặc biệt là châu Phi và Nam Mỹ, nơi nhu cầu về nước tăng nhanh và các hồ chứa mới không đầy nhanh như dự kiến.
Nghiên cứu không tính đến tác động của bồi lắng, một vấn đề dai dẳng được dự đoán sẽ làm giảm 1/4 dung lượng lưu trữ vào năm 2050, theo một báo cáo vào tháng 1 vừa rồi của Đại học United Nations.
Hạn hán kéo dài đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi của các hồ chứa lớn. Trung Quốc chứng kiến sản lượng thủy điện giảm mạnh vào mùa hè năm ngoái do nhiệt độ cao kỷ lục trên khắp lưu vực sông Dương Tử.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thủy điện Quốc tế cho biết vào tuần trước rằng các đập và hồ chứa mới vẫn sẽ đóng một “vai trò quan trọng trong thời đại khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng”, giúp điều tiết dòng nước dễ dàng hơn.
Trung Quốc cũng nhiều lần nói rằng khả năng lưu trữ và xả nước được tăng cường ở thượng nguồn sông Dương Tử đã giúp giảm bớt lũ lụt và hạn hán ở hạ lưu.
Không giống như nhiều khu vực, mức lưu trữ của Trung Quốc tăng nhẹ trong giai đoạn 1999 – 2018 do dòng chảy cao hơn ở các lưu vực sông lớn, cho thấy nước này vẫn sẽ được hưởng lợi từ các hồ chứa mới.
Ông Gao lưu ý thêm: “Nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào khí hậu trong tương lai, đặc biệt là khi hầu hết các khu vực đã trải qua tình trạng giảm dòng chảy”.
Mai Vân (theo Reuters, CNA)