SGGPO
Chiều 14-6, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì phiên toàn thể cùng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Phiên toàn thể tập trung vào 4 báo cáo chính, gồm: dự thảo những nội dung chủ yếu của chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; thúc đẩy chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; chuyển đổi xanh và bản sao số ở châu Âu và Việt Nam: hàm ý chính sách cho quá trình CNH, HĐH của Việt Nam; tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo: những thách thức chính và giải pháp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 |
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào các nhóm nội dung lớn như tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; sự tham gia của quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về CNH, HĐH, về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các nội dung trọng tâm nhằm xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có nội dung đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng và có cơ chế vượt trội để phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 |
Cùng với đó, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong CNH-HĐH đất nước. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, CNH, HĐH gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nội hàm chuyển đổi số. Công nghệ số và chuyển đổi số là cốt lõi của CNH, HĐH. Công nghệ số và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, mô hình phát triển.
“Mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình để CNH, HĐH đất nước. Cũng chưa có mô hình nào mà có từ 2 nước trở lên thành công. CNH, HĐH Việt Nam thì phải đi con đường Việt Nam, dựa trên bối cảnh văn hóa, trình độ phát triển, chế độ, tố chất con người và những bài toán Việt Nam”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn |
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có đến 50% là các công nghệ số, 50% các công nghệ còn lại thì lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Bởi vậy mà nhiều người coi cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng công nghệ số. “Công nghệ số thì hợp với người Việt Nam. Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc. Và đó là lợi thế của Việt Nam để đẩy nhanh CNH, HĐH”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Các đại biểu dự diễn đàn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số nhanh giúp đẩy nhanh CNH, HĐH. Chuyển đổi số là phát triển nhanh, vì kinh tế số tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững, vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế, vì là môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. Chuyển đổi số sinh ra dữ liệu. Mà dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới, giống như đất đai và vốn. Càng chuyển đổi số thì càng sinh ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều “đất đai” trên môi trường số. Khai thác “đất đai” này bằng chuyển đổi số thì sinh ra giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng, sự giàu có.