Nhà leo núi thường phải đối mặt với điều kiện như địa ngục khi tìm cách vượt qua “vùng chết” ở độ cao trên 8.000 m, nơi có ít oxy đến mức cơ thể bắt đầu chết dần từng phút một.
Cơ thể người hoạt động tốt nhất ở mực nước biển, khi nồng độ oxy phù hợp với bộ não và phổi. Ở độ cao lớn hơn, cơ thể người không thể hoạt động bình thường. Nhưng nếu muốn chinh phục đỉnh Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới ở 8.848 m, nhà leo núi phải vượt qua “vùng chết”, theo Business Insider.
Ở vùng chết, não và phổi của nhà leo núi thiếu oxy, nguy cơ lên cơn đau tim và đột quỵ tăng lên, nhanh chóng ảnh hưởng tới khả năng ra quyết định. Theo Shaunna Burke, người từng leo đỉnh Everest năm 2005, đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Tháng 5/2023, một người leo núi 50 tuổi đến từ Trung Quốc bất tỉnh ở độ cao 8.230 m và bị bỏng lạnh. Thiết bị của người đó mắc kẹt trên dây thừng và bình oxy cạn kiệt. Người phụ nữ sống sót sau khi được hai người leo núi khác phát hiện và giải cứu. Tuy nhiên, ít nhất 12 người chết trên núi Everest trong năm nay, biến năm 2023 thành một trong những mùa leo núi chết chóc nhất.
Ở mực nước biển, không khí chứa 21% oxy. Nhưng ở độ cao trên 3.657 m, nồng độ oxy thấp hơn 40%. Jeremy Windsor, một bác sĩ từng leo núi Everest năm 2007 trong chuyến thám hiểm Caudwell Xtreme, cho biết mẫu máu lấy từ 4 nhà leo núi ở vùng chết hé lộ họ sống sót với lượng oxy chỉ bằng 1/4 so với ở mực nước biển, tương đương bệnh nhân hấp hối. Tại độ cao 8 km phía trên mực nước biển, không khí chứa ít oxy đến mức ngay cả với bình dưỡng khí, cảm giác giống như chạy trên máy chạy bộ và thở qua ống hút. Thiếu oxy dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe. Khi lượng oxy trong máu giảm xuống dưới mức nhất định, nhịp tim tăng tới 140 nhịp/phút, làm tăng nguy cơ lên cơn đau tim.
Nhà leo núi phải cho cơ thể thời gian để thích nghi với điều kiện đè ép phổi trên dãy Himalaya trước khi leo đỉnh Everest. Các chuyến thám hiểm thường bao gồm ít nhất 3 chặng lên núi từ trại căn cứ Everest (vốn cao hơn phần lớn ngọn núi tại châu Âu ở 5.364 m), lên cao vài trăm mét trong mỗi chặng trước khi chinh phục đỉnh. Trải qua nhiều tuần ở độ cao lớn, cơ thể bắt đầu tạo ra nhiều huyết sắc tố (protein trong hồng cầu đưa oxy từ phổi đi khắp cơ thể). Nhưng quá nhiều huyết sắc tố có thể làm đặc máu, khiến tim khó bơm máu đi toàn thân hơn. Điều đó có thể dẫn tới đột quỵ hoặc tích tụ dịch trong phổi.
Trên Everest, một tình trạng có tên phù phổi cấp độ cao (HAPE) rất phổ biến với triệu chứng mệt mỏi, cảm giác ngạt thở vào ban đêm, yếu ớt, ho dai dẳng. Đôi khi, cơn ho nặng đến mức có thể làm nứt xương sườn. Nhà leo núi mắc HAPE luôn khó thở, ngay cả khi nằm nghỉ.
Thích nghi với độ cao lớn ở vùng chết không khả thi, theo bác sĩ Peter Hackett. Một trong những rủi ro lớn nhất ở độ cao 7.925 m là bệnh giảm oxy máu, khiến oxy không tuần hoàn đầy đủ tới cơ quan như não. Nếu không có đủ oxy, não có thể bắt đầu sưng lên, gây ra chứng phù não độ cao lớn (HACE), dẫn tới chóng mặt, nôn mửa, khó tư duy. Não thiếu oxy sẽ khiến nhà leo núi quên họ đang ở đâu và tiến vào mê sảng. Khả năng ra quyết định của họ bị ảnh hưởng, kéo theo hành động kỳ lạ như cởi quần áo hoặc nói chuyện với bạn bè tưởng tượng.
Burke chia sẻ trong lúc neo núi, cô bị ho dai dẳng thường xuyên. Không khí mỏng đến mức cô không thể ngủ được. “Con người sẽ bắt đầu xuống sức. Việc ngủ trở thành vấn đề. Tình trạng teo cơ và giảm cân diễn ra”, Hackett nói. Triệu chứng chóng mặt và buồn nôn do các bệnh liên quan tới độ cao như HAPE và HACE, cũng làm giảm khẩu vị. Màu trắng bất tận của băng tuyết có thể gây chứng lóa tuyết. Tuần hoàn máu tới ngón tay và ngón chân của nhà leo núi kém đi có thể dẫn đến bỏng lạnh và nặng hơn là hoại thư. Mô hoại thư thường cần cắt cụt.
Leo núi ở vùng chết là một “địa ngục sống”, theo nhà leo núi Everest kiêm thành viên thám hiểm NOVA năm 1998 David Carter. Thông thường, nhà leo núi cố gắng leo đỉnh và đi xuống trong một ngày, cố gắng dành ít thời gian ở vùng chết hết mức có thể trước khi quay lại độ cao an toàn hơn.
An Khang (Theo Business Insider)