Dù chảy máu cam không phải là vấn đề sức khỏe nguy hiểm nhưng có thể khiến một số người cảm thấy lo sợ, nhất là khi máu chảy nhiều. Vì không là triệu chứng nghiêm trọng nên chảy máu cam có thể tự điều trị tại nhà, theo nhật báo The Indian Express (Ấn Độ).
Các chuyên gia cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam. Nhưng với chảy máu cam mùa hè thì nguyên nhân thường là do không khí nóng, khô.
Vào những tháng mùa hè, nền nhiệt độ ở nhiều quốc gia sẽ tăng cao. Thời tiết không chỉ nóng mà còn khô hơn. Tình trạng này khiến lớp niêm mạc bên trong mũi dễ bị nứt và chảy máu cam.
Yếu tố không khí nóng khô cũng gây ra một vấn đề khác với mũi là dị ứng do nhiệt. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm niêm mạc mũi. Các yếu tố trên cộng với thói quen ngoáy mũi, khịt mũi mạnh sẽ khiến niêm mạc mũi dễ bị tổn thương dẫn đến chảy máu cam. Nếu máu cam đang chảy thì khịt mũi mạnh sẽ khiến máu chảy nhiều hơn.
Các triệu chứng thường gặp của chảy máu cam là máu thường chỉ chảy ra từ một bên mũi. Một số trường hợp nghiêm trọng thì mũi bệnh nhân sẽ đầy máu do chảy quá nhiều.
Mất máu quá nhiều có thể gây chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu. Tuy nhiên, rất hiếm có trường hợp bị chảy máu cam nào gặp các triệu chứng này. Các biến chứng do chảy máu cam rất hiếm gặp. Dù vậy, người mắc nên đến khám bác sĩ nếu máu chảy thường xuyên.
Để giảm nguy cơ chảy máu cam mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần làm ẩm niêm mạc mũi, cắt móng tay, tránh tác nhân gây dị ứng và không khịt mũi quá mạnh.
Để giữ độ ẩm niêm mạc mũi, cách tốt là hãy dùng thuốc xịt mũi hay máy tạo độ ẩm trong phòng. Mọi người cần hạn chế thói quen ngoáy mũi. Với trẻ em, cha mẹ cần cắt ngắn móng tay để tránh làm trầy xước bên trong mũi khi trẻ ngoáy mũi.
Với những người dễ chảy máu cam vào mùa hè, tốt nhất là tránh các tác nhân có thể gây kích thích mũi như khói thuốc lá, không khí ô nhiễm hay khói hóa chất. Ngoài ra, khi khịt mũi, không nên khịt mạnh mà hãy khịt nhẹ và chậm. Cách này sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương mũi, theo The Indian Express.