Mô hình trồng dưa hấu dưới ruộng lúa của nông dân xã Lý Văn Lâm là một trong những điển hình. Hàng năm, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, các ruộng dưa hấu xã Lý Văn Lâm tất bật thu hoạch, đem lại nhiều lợi nhuận cho bà con nông dân. Hiện nay, dưa hấu xã Lý Văn Lâm đã thành thương hiệu, đạt chuẩn VietGAP. Ðặc biệt, những năm gần đây, nông dân xã Lý Văn Lâm còn phát triển thêm việc trồng dưa hấu trái vụ, giúp sản phẩm dưa hấu duy trì cung cấp ra thị trường quanh năm.
Chị Cao Mỹ Hiền, ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Tôi trồng dưa hấu 10 năm rồi, trồng dưa ổn định kinh tế hơn trồng lúa. Riêng dưa trái vụ cần theo dõi, chăm sóc kỹ hơn, trời mưa hay nắng đều phải có cách chăm sóc phù hợp”.
Chị Cao Mỹ Hiền chăm sóc dưa hấu trái vụ.
Ngoài dưa hấu, nông dân xã Lý Văn Lâm còn khai thác triệt để diện tích đất đai, tạo ra nhiều sản phẩm khác cải thiện kinh tế cho gia đình.
Với các xã nuôi thuỷ sản, bà con còn tận dụng đất trên bờ bao vuông tôm để trồng rau màu, điển hình như mô hình trồng màu của anh em ông Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Cho, ấp Tân Hoá A, xã Hoà Thành. Trồng màu trên vùng đất mặn, cái khó nằm ở khâu cải tạo đất, còn thuận lợi là rất ít sâu bệnh và cỏ dại. Ðúc kết được kinh nghiệm qua nhiều mùa vụ, ông Bình và ông Cho xoay vòng trồng các loại bí đao, khổ qua tây, dưa hấu trên bờ bao vuông tôm… Nhờ đó, có được nguồn thu nhập quanh năm.
Trồng màu trên bờ vuông mang lại nguồn thu nhập quanh năm cho gia đình ông Nguyễn Văn Cho.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Tôi trồng màu cả chục năm rồi, thu nhập từ trồng màu cũng khá lắm. Nuôi tôm thì khi có khi không, chỉ trông chờ vào con tôm thì đời sống khó ổn định”.
Mô hình nuôi cá bống tượng, cá chình ở xã Tân Thành và phường Tân Thành phát triển rất mạnh trong nhiều năm qua, nhờ đó mà nông dân trên địa bàn có thu nhập khá; nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Ði đầu trong cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống tượng, cá chình là ông Nguyễn Hữu Ánh, ngụ Ấp 2, xã Tân Thành. Ðúc kết kinh nghiệm trong nhiều năm nuôi cá, ông Ánh mạnh dạn xây dựng mô hình chạy quạt ô xy trong ao nuôi cá chình của mình như nuôi tôm công nghiệp. Qua thực tế, ông nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả rất cao. Việc chạy quạt ô xy giúp cá nuôi có môi trường sống tốt, ăn khoẻ, không bị bệnh nên rất mau lớn, từ đó rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn.
Nếu như trước đây, ông Ánh nuôi cá trung bình khoảng 24 tháng mới thu hoạch, cá đạt trọng lượng trên dưới 4 kg, thì khi áp dụng mô hình chạy quạt ô xy, cá lớn nhanh hơn. Chỉ trong vòng 20 tháng nuôi là có thể thu hoạch, trọng lượng bình quân 4 kg/con. Ông Ánh cho biết: “Lúc con cá còn nhỏ thì không cần chạy quạt, khi nuôi thời gian khoảng 1 năm là bắt đầu sàng lọc cá lớn ra riêng ao và tiến hành chạy quạt. Khi chạy quạt thì không cần thay nước nữa và duy trì việc này đến thu hoạch luôn. Theo kinh nghiệm, nuôi chạy quạt hiệu quả hơn nuôi bình thường”.
Ông Nguyễn Hữu Ánh đi đầu trong cải tiến kỹ thuật nuôi cá chình, cá bống tượng bằng cách chạy quạt ô xy trong ao nuôi.
Qua những mô hình sản xuất hiệu quả, đã tạo điều kiện cho hàng trăm nông dân trên địa bàn học hỏi, áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thậm chí làm giàu. Trong 5 năm qua, trên địa bàn thành phố có 79 hộ nông dân thoát nghèo, 58 hộ thoát cận nghèo. Hiện nay, hội viên nông dân thuộc diện nghèo của thành phố chỉ còn 9 hộ, chiếm 0,08%; hộ cận nghèo 15 hộ, chiếm 0,13%./.
Phạm Phục