Ngày 13/6, các hoạt động liên quan đến Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023 (gọi tắt là Lễ hội) chính thức diễn ra. Trên các nẻo đường từ trung tâm Tp Phan Rang – Tháp Chàm đến các huyện tổ chức các chuỗi sự kiện đều trang trí cờ hoa rực rỡ đón chào du khách đến với Ninh Thuận.
Nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Lễ hội, ngày 13/6, tại thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình (Bác Ái) tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa Raglai năm 2023. Từ sáng sớm, hàng trăm hộ dân, các nghệ nhân chế tác đàn Chapi, các đội thi ẩm thực của 9 xã và du khách đã có mặt để chuẩn bị các dụng cụ, các sản phẩm để tham dự Ngày hội. Sau lễ khai mạc, đông đảo nhân dân địa phương và du khách được hòa nhịp và cổ vũ cho các phần thi: Chế tác đàn Chapi; Hội thi ẩm thực Raglai; Hội thi giã gạo… Ông Chamaléa Siết, Nghệ nhân chế tác đàn Chapi ở xã Phước Hòa cho biết: Đàn Chapi là một loại nhạc cụ dân gian truyền thống độc đáo của người Raglai, do đó chúng tôi muốn con cháu sau này phải giữ nghề và giữ gìn truyền thống của cha ông.
Nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Ngày hội văn hóa Raglai năm 2023. Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Thông qua ngày hội quảng bá, giới thiệu cho người dân trong và ngoài tỉnh biết đến bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bác Ái và một số hàng nông sản trên địa bàn của huyện, hướng tới huyện giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế. Với các hoạt động mang đậm dấu ấn bản sắc truyền thống văn hóa, Ngày hội văn hóa Raglai sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Hội thi giã gạo tại Ngày hội văn hóa Raglai năm 2023 thu hút đông người dân và du khách đến cổ vũ. Ảnh: Kha Hân
Dịp này, huyện Bác Ái cũng đưa vào hoạt động chợ Phước Bình và tổ chức phiên chợ nông sản tại đây, các sản phẩm đặc thù như bưởi da xanh, dưa lưới, mật ong rừng… được nông dân huyện Bác Ái giới thiệu tới du khách. Huyện Bác Ái cũng vận động các tiểu thương duy trì hoạt động buôn bán, đưa chợ Phước Bình trở thành chợ đầu mối nông sản của huyện, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân.
* Tại Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, những ngày này, trên các trục đường chính của thành phố được trang hoàng lộng lẫy cổ động cho Lễ hội, chào đón du khách trên mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế đến với Ninh Thuận. Chị Hiếu Thi, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thông qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết đến Lễ hội này. Dù đến Ninh Thuận trước ngày khai hội, nhưng tôi thật sự ấn tượng bởi sự hiếu khách, tiếp đón niềm nở của người dân; đặc biệt bởi khâu tổ chức về các chuỗi sự kiện của Lễ hội và các hình ảnh quảng bá trực quan về lễ hội rất chuyên nghiệp.
Có mặt tại Quảng trường 16 Tháng 4 vào sáng ngày 13/6, phóng viên ghi nhận sân khấu đêm khai hội đã được lắp đặt xong; hệ thống trang thiết bị, ánh sáng và phân khu, phân vùng phù hợp với từng loại hình biểu diễn, trưng bày… Nhằm giúp Nhân dân thuận tiện theo dõi, các hoạt động của đêm khai mạc Lễ hội được công chiếu rộng rãi trên các màn hình Led lớn trang trí xung quanh quảng trường. Trên nhiều tuyến phố, nhiều cụm pano, màn hình led khổ lớn, hộp đèn, đèn trang trí được lắp đặt tuyên truyền cho Lễ hội rực rỡ, tăng thêm mỹ quan đô thị. Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát các khu vực công cộng, tuyến đường chào mừng các sự kiện của Lễ hội. Tổ chức ra quân tổng vệ sinh các tuyến đường, tuyến phố, khu vực công cộng, khu vực ven biển, dọc các kênh mương, trụ sở các cơ quan, đơn vị, các điểm du lịch, vui chơi… cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn.
Hướng về Lễ hội, không chỉ các tổ chức hội, đoàn thể chung tay hưởng ứng mà nhân dân trên địa bàn thành phố đều hào hứng đón chờ ngày khai mạc. Chị Nguyễn Hoa Huệ, phường Tấn Tài phấn khởi chia sẻ: Với quy mô chuyên nghiệp và hoành tráng hơn so với các năm, Lễ hội năm nay tạo ra sự mới mẽ, sức hấp dẫn, không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân sau thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài. Tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, Lễ hội năm nay mang đến ấn tượng tốt với du khách trong nước và quốc tế.
* Tối 13/6, Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố chính thức khai mạc mở đầu cho chuỗi sự kiện trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Với 12 tiết mục sôi động của các các nhóm, band, câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh mang đến khán giả những trải nghiệm thú vị, đặc sắc. Người xem như hoà mình theo những âm sắc của giai điệu từ bàn tay “phù thủy” của các DJ. Tham dự Chương trình khán giả còn đắm say khi chiêm ngưỡng điệu múa quạt, múa đội nước được biểu diễn bởi những cô gái Chăm hay thưởng thức những giai điệu, lời ca, đến tiếng trống Ghinăng, Paranưng, tiếng kèn Saranai…
Đặc sắc Chương trình nghệ thuật đường phố năm 2023 tại Quảng trường 16-4 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Lê Thi
Ngoài ra, Ban tổ chức còn bố trí các không gian Thư pháp Việt, biểu diễn tạp kỹ chào đón mọi người đến tham dự. Bạn Anh Thư, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Chương trình được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp. Những tiết mục thật sự quá ấn tượng, hấp dẫn để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc khó quên.
* Cũng tại khuôn viên Quảng trường 16 Tháng 4, tối 13/6, Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ chính thức khai mạc. Hội chợ thu hút 300 gian hàng của 150 doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu nho, vang, các sản phẩm OCOP, đặc sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm lưu niệm, hàng công nghiệp và ẩm thực vùng, miền của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo ghi nhận của phóng viên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều vui tươi tham gia hội chợ. Để thu hút du khách tham quan hội chợ, ngay trong đêm khai mạc, Ban tổ chức lồng ghép chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc.
Du khách tham quan, mua sản phẩm OCOP tại Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ – Ninh Thuận 2023. Ảnh: Văn Nỷ.
Những sản phẩm đặc trưng của miền đất nắng được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt trên các kệ hàng như lời mời chào thân thiện đến với mọi du khách đến với lễ hội. Là một trong rất nhiều du khách đến từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), chị Hồng Nhung cho biết: Năm nào đến dịp hè, gia đình tôi đều đi du lịch ở Ninh Thuận. Thông qua các phương tiện truyền thông, năm nay có Lễ hội Nho – Vang nên gia đình tôi sẽ lưu lại khoảng một tuần. Tôi thấy công tác chuẩn bị khá chu đáo, đèn và cờ hoa được treo khắp các con đường. Hội chợ đa dạng và phong phú với nhiều mặt hàng, sân khấu hoành tráng, náo nhiệt. Gia đình tôi cũng rất mong chờ để cùng trải nghiệm một số hoạt động trong Lễ hội này.
Du khách tìm hiểu các sản phẩm nha đam của Công ty CP Thực phẩm Cánh đồng Việt tại hội chợ. Ảnh: A.Thi
* Tại Ninh Phước, bà con làng nghề gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân rất phấn khởi, háo hức trước sự kiện Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp”. Từ tuyến Quốc Lộ 1, Tỉnh lộ 703 đến các khu dân cư, trung tâm hành chính huyện…, cờ Tổ quốc, cờ phướn được treo khắp nơi để tuyên truyền, cổ động cho sự kiện quan trọng tại địa phương. Cùng với đó, nhiều tuyến đường chính còn được gấp rút nâng cấp, sửa chữa; đường làng, ngõ xóm được vệ sinh thông thoáng, sạch đẹp, nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến tham quan làng nghề.
Cơ sở gốm Bàu Trúc Mỹ Tiên (Ninh Phước) chuẩn bị gian hàng phục vụ Lễ hội. Ảnh: Hồng Lâm
Chị Đổng Thị Minh, cho biết: Trong những ngày qua, cùng với cán bộ, đoàn viên thanh niên và học sinh, người dân chúng tôi cũng tích cực tham gia dọn dẹp nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, thu gom rác thải tại khu vực diễn ra các chuỗi sự kiện. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, Lễ đón bằng của UNESCO về nghề gốm của của người Chăm sẽ diễn ra thành công; qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề đến với du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch ở địa phương ngày càng phát triển. Còn chị Đàng Thị Viên chia sẻ: Để chuẩn bị cho ngày hội, các thành viên trong gia đình phân công nhau sắp xếp, bày trí lại gian hàng, chuẩn bị sẵn bài thuyết minh để tạo thuận lợi cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu các sản phẩm gốm của mình. Chị Viên, phấn khởi: Tôi rất háo hức và mong chờ đến lễ hội sắp tới, bởi đây là sự kiện đặc biệt quan trọng để tôn vinh nghề làm gốm của dân tộc và cũng là dịp đưa sản phẩm gốm tới đông đảo du khách trong và ngoài nước…
Các đơn vị thi công tuyến đường Đổng Dậu, khu phố Bàu Trúc (Ninh Phước). Ảnh: Sơn Ngọc
Trong thời gian diễn ra Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023, trên địa bàn huyện sẽ diễn ra các hoạt động như: Hội thi văn nghệ quần chúng; hội thi tay nghề giỏi; thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian tại làng nghề gốm Bàu Trúc. Đồng chí Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Đến nay địa phương đã chuẩn bị hoàn tất các công việc cho ngày hội. Đồng thời, huyện bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở ăn uống chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động người dân tích cực tham gia, hưởng ứng các chuỗi sự kiện, ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự với du khách khi đến làng nghề.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần hiếu khách, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, tin rằng Lễ hội năm 2023 sẽ diễn ra thành công, đem đến sự hài lòng cho du khách thập phương.
Nhóm PV-CTV