(VHQN) – Xét về mặt lịch sử, các biến cố giữa thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9, với những cuộc xâm lăng của Java ở vùng ven biển Đông Nam Á, đã dẫn đến sự suy vong của một vương triều của Champa vốn tồn tại nhiều thế kỷ trước đó (thuộc vùng Quảng Nam sau này).
Nhưng cũng chính các ảnh hưởng của Java, đặc biệt là sự du nhập của trường phái Phật giáo Mật tông đã tạo nên một sinh khí mới ở vùng kinh đô cũ của Champa; tầng lớp tăng lữ và tín đồ của tín ngưỡng kết hợp Siva giáo và Phật giáo đã trở thành chỗ dựa cho sự ra đời của một vương triều tại vùng Quảng Nam vào cuối thế kỷ 9, lập kinh đô có tên gọi Indrapura (thành phố Indra, lưu vực sông Ly Ly, Quảng Nam) và sau đó ảnh hưởng rộng đến các vùng lân cận, đưa vương quốc Champa đến giai đoạn phát triển tương đối thống nhất với đặc trưng về ngôn ngữ và nghệ thuật mang đậm dấu ấn bản địa.
Khắc họa qua văn khắc
Vương triều Indrapura bắt đầu từ vị vua có hiệu là Jaya Indravarman, là người đã lập văn khắc vào ngày 13 tháng 5 năm 875 (ký hiệu C 66), tôn thờ Lakṣmīndra Lokeśvara và Bhadreśvara tại khu đền tháp hiện còn dấu tích ở Đồng Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).
Nội dung văn khắc cho biết, vương triều này được khởi lập nhờ nỗ lực của vua Jaya Indravarman, chứ không phải được truyền ngôi từ vua đời trước. Tuy vậy, trong văn khắc, nhà vua cũng tôn vinh người cha của mình là Bhadravarman và ông nội là Rudravarman với danh vị “vua” (rājā, nṛpo).
Một bản văn khắc tại thôn An Thái (C 138, Thăng Bình), lập vào ngày 7 tháng 6 năm 902, cho biết tại đây có một tu viện do Bhadravarman sáng lập và được kế thừa bởi vua Indravarman.
Nội dung văn khắc nói đến các khái niệm trong kinh điển Phật giáo Mật tông như Vaijadhātu (Kim cương giới), Padmadhātu (Liên hoa giới) và các danh hiệu Vairocana (Tì-lô-giá-na/Đại Nhật Như Lai), Vajrapāṇi (Kim cương thủ).
Một bản văn khắc khác tại Hóa Quê, Đà Nẵng (C 142), lập vào năm 909, ghi việc các vị chức sắc lớn đời vua Indravarman xây dựng ở đây nhiều đền tháp thờ Siva và một tu viện Phật giáo; trong đó có nhắc đến người cháu của vua Rudravarman và một dinh trấn có tên là Rudrapura.
Rất có thể vùng cửa Hàn đã từng là lãnh địa của Rudravarman, người được ghi trong văn khắc C 66 là ông nội của vua Indravarman. Thế hệ ông và cha của vua Jaya Indravarman có thể đã là những thủ lĩnh tại các vùng cửa sông, ven biển, với các dinh trấn tại vùng Hóa Quê (cửa Hàn) và vùng An Thái (ven sông Trường Giang). Tại đó có các cộng đồng thương nhân, thủ công nghiệp có tài lực để góp phần xây dựng các đền tháp thờ Siva cũng như các tu viện Phật giáo hiện nay vẫn còn dấu vết hiện vật và văn khắc.
Nhiều dấu ấn văn hóa
Vua Indravarman và các vị vua kế nghiệp đã xây dựng một nước Champa phát triển nhiều mặt. Về ngoại giao, vương triều này có mối quan hệ với nhiều nước trong khu vực.
Văn khắc ở di tích Bàng An (C 141, Điện Bàn, Quảng Nam, lập ngày 14 tháng 9 năm 906) ghi nhận sự có mặt của “nhiều sứ giả của các hoàng gia đến từ các nước khác nhau… uy tín của các vị vua (Champa) lan truyền rộng khắp…”.
Văn khắc Hóa Quê, năm 909, ca ngợi một vị đại thần “có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt”.
Về ngôn ngữ, vào giai đoạn này, xuất hiện nhiều bản văn khắc dùng chữ Sanskrit để ghi tiếng nói của người bản địa (tiếng Chăm cổ) chứ không chỉ ghi tiếng Sanskrit như văn khắc giai đoạn trước; đây là một bước quan trọng trong việc hình thành chữ viết tiếng Chăm trên nền tảng hệ thống ký tự Sanskrit.
Về nghệ thuật, hình tượng điêu khắc trên các đài thờ phản ánh đặc trưng nhân chủng của người bản địa khác với đường nét chung của hình mẫu Ấn Độ; đồng thời xuất hiện một dạng hoa văn trang trí cách điệu hình ảnh ngọn lửa và hoa lá xoắn xít, tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng, thường được gọi là “phong cách Đồng Dương”, phân biệt hẳn với các kiểu thức trang trí cùng chủ đề ở các nước trong khu vực.
Vương triều Indravarman đã để lại nhiều dấu ấn không những ở vùng Quảng Nam mà còn ở các địa phương lân cận. Ở phía bắc đèo Hải Vân, đã tìm thấy nhiều văn khắc của các đại thần và người có quan hệ thân tộc với các vị vua ở Indrapura. Văn khắc C 149 (Nhan Biều, Quảng Trị) ghi sự kiện một quý tộc, danh xưng Pō Kluñ Piliḥ Rājadvāra, xây dựng một đền thờ thần Siva vào năm 908 và một tu viện Phật giáo thờ Avalokiteśvara vào năm 911.
Rājadvāra thuộc một gia đình có quan hệ hôn nhân với vị vua thứ hai của vương triều Indrapura; được cử đi Java trong một sứ mạng của hoàng gia Champa và được trọng dụng trong hai đời vua liên tiếp.
Về phía nam, một văn khắc tìm thấy ở Châu Sa (C 61, Quảng Ngãi, lập năm 903) cho thấy vương triều Indrapura đã đặt quan hệ hôn nhân với một thủ lĩnh ở vùng này.
Nội dung văn khắc nói đến một người anh vợ của vua Jaya Simhavarman dâng tặng đất đai cho một ngôi đền tại địa phương. Xa hơn đến phía nam đèo Cả, cũng đã tìm thấy các dòng văn khắc ghi năm 918 của vua Indravarman ở một trụ cửa ngôi tháp thuộc khu di tích Po Nagar.
Sự phát triển của Champa thời kỳ vương triều Indrapura đã khiến sử gia Trung Hoa nhìn nhận chính xác hơn về một vương quốc thống nhất và độc lập ở phía nam Giao Châu; gọi tên vương quốc này là Chiêm Thành, phiên đúng theo tên tự gọi Champāpura, thay cho danh xưng Hoàn Vương đã sử dụng trong thế kỷ trước.