Kỳ I: Kết quả và những vấn đề tồn tại
(Tiếp theo và hết)
Từ những đánh giá thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế về công tác phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, ngày 24-4-2023 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Ngày 17-5-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 982/QĐ-UBND thực hiện Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh với một số mục tiêu chủ yếu: đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh phấn đấu đạt 29m2 sàn/người, năm 2030 là 33,5m2 sàn/người; tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2025 là 95.054 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 133.907 tỷ đồng…
Dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ nhà ở và TTBE Complex do Công ty TNHH Thuận Thắng Nam Định đầu tư có 308 căn chung cư với tổng diện tích sàn 74,25 nghìn m2 tại thành phố Nam Định. |
Kỳ II: Nỗ lực nâng cao cả “lượng” và “chất” nhà ở
Để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh chủ trương phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Phát triển nhà ở có mức giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở. Dự báo nhu cầu nhà ở đô thị và nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh. Các mục tiêu được đặt ra hết sức cụ thể theo phân kỳ giai đoạn đến năm 2025 và 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đạt 29m2 sàn/người; trong đó, khu vực đô thị đạt 33,9m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 26,36m2 sàn/người; phấn đấu nâng chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,9%). Để thực hiện được các chỉ tiêu đó, trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh đặt mục tiêu phát triển tăng thêm được: 60 nghìn m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị, tương đương khoảng 300 căn nhà xây dựng mới; 571,2 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 11.424 căn nhà xây dựng mới (trong đó có 82,5 nghìn m2 sàn, tương đương khoảng 1.650 căn nhà xây dựng mới là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị; 488,7 nghìn m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 9.774 căn nhà xây dựng mới là nhà ở xã hội cho công nhân). Phấn đấu trong giai đoạn này diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 10,057 triệu m2 sàn, tương ứng 83.813 căn nhà. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng 3.370 căn nhà ở cho hộ nghèo tương ứng 168,5 nghìn m2 sàn; Xây dựng, sửa chữa 4.633 căn nhà cho người có công với cách mạng, tương ứng 231,7 nghìn m2 sàn. Như vậy, nhu cầu đất để phát triển nhà giai đoạn này là trên 916,54ha; trong đó diện tích đất để thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại là 55,49ha; đất phát triển nhà ở xã hội là 49,07ha; 0,11ha đất phát triển nhà ở công vụ và 811,86ha đất phát triển nhà ở do người dân tự xây dựng trên đất được chuyển quyền sử dụng đất. Nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà ở giai đoạn này là 95,054 nghìn tỷ đồng, gồm: 4.323 tỷ đồng vốn doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội; 90,417 nghìn tỷ đồng vốn của các hộ dân thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở hộ gia đình; 315 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở cho người nghèo. Ngoài ra, nguồn vốn thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở còn được huy động từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư thuộc sở hữu Nhà nước, tạo lập quỹ nhà ở tái định cư cho các hộ dân đang thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại các chung cư cũ khi tổ chức di dời các hộ dân đang thuê ở tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Nam Định dự kiến 700 tỷ đồng.
Đến năm 2030 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 33,5m2 sàn/người; trong đó khu vực đô thị đạt 37,7m2 sàn/người; khu vực nông thôn đạt 30,06m2 sàn/người; chất lượng nhà ở kiên cố đạt 99,9% (trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 99,9%). Trong giai đoạn 2026-2030, phát triển tăng thêm 1,5 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, khu đô thị (tương đương khoảng 7.500 căn nhà xây dựng mới); 322,9 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 6.458 căn nhà xây dựng mới (trong đó có 11,25 nghìn m2 sàn, tương đương khoảng 225 căn nhà xây dựng mới là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị; 311,65 nghìn m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 6.233 căn nhà xây dựng mới là nhà ở xã hội cho công nhân). Phấn đấu trong giai đoạn này diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm 11 triệu 159,8 nghìn m2 sàn, tương ứng khoảng 92.998 căn nhà. Hỗ trợ xây dựng 2.886 căn nhà ở cho hộ nghèo tương ứng 144.300m2 sàn; nhu cầu đất phát triển nhà ở là 954,53ha; tổng nguồn vốn thực hiện là 133.907 tỷ đồng…
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển nhà ở theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND, UBND tỉnh đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về nhà ở, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách hành chính liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở; xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở theo từng giai đoạn (5 năm) và hàng năm, thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện để đảm bảo cân đối cung – cầu nhà ở cho các đối tượng sử dụng. Các sở, ngành, địa phương chủ động tham mưu cho tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện để cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà ở và khuyến khích xã hội hoá trong đầu tư phát triển nhà ở; quy định tỷ lệ nhà ở thương mại và xác định cụ thể phân khúc nhà ở khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở để đảm bảo đa dạng loại hình, phân khúc nhà ở. Tham mưu ban hành cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê đáp ứng nhu cầu cho đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Quản lý chặt chẽ công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc, đồng thời nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án để đảm bảo hình thành các khu đô thị, khu nhà ở hiện đại, có kiến trúc cảnh quan đồng bộ, hài hòa và có bản sắc, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thu hút tăng dân số cơ học của tỉnh. Chủ động quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất bố trí tái định cư và quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định. Thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê và hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội theo quy định. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng và quản lý phát triển nhà ở. Xây dựng, vận hành và công khai cơ sở dữ liệu về quy hoạch, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh bất động sản./.
Bài và ảnh: Thành Trung