Luyện tập sát tình huống

Tại Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324), sau hồi kẻng báo động dồn dập, Đại đội 9 cơ động lực lượng triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Chỉ trong thời gian rất ngắn kể từ khi phát lệnh, 100% quân số của Đại đội đã có mặt, quân tư trang bao gói đầy đủ, đúng quy định. Vật chất hộ đê, khắc phục sạt lở như bao tải, cọc chống, sọt tre, vồ gỗ, rọ đá… chuẩn bị sẵn sàng.

Thiếu tá Chu Hữu Thông, Tiểu đoàn trưởng, khẳng định: “Trong huấn luyện, chúng tôi luôn gắn sát với thực tế như: Hoạt động trong đêm tối, cơ động trên địa hình khó khăn, phức tạp, thời tiết mưa bão, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống như di chuyển người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, bơi cứu đuối, sơ cứu người đuối nước, khắc phục, gia cố cầu đường…”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) hội thao phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.

Chúng tôi có mặt tại Lữ đoàn Công binh 414 lúc trời đang mưa nặng hạt, nhưng buổi huấn luyện vượt sông cứu nạn do Trung tá Cao Thanh Tâm, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 chỉ huy vẫn diễn ra bình thường. Việc chọn quãng đường cơ động từ đơn vị đến vị trí bờ sông cũng được gắn vào thực tế, với địa hình dốc, mấp mô, đất đỏ trơn trượt bị chia cắt bởi suối nhỏ rất khó di chuyển.

Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn thoăn thoắt thao tác vận chuyển ca nô ra vị trí cơ động; thực hành lắp máy, triển khai vật dụng sào, dây, phao cứu sinh… Chưa đầy 10 phút, chiếc ca nô đã đến vị trí cứu nạn. Lúc này, từng cán bộ, chiến sĩ tung phao cứu sinh, dây, sào, lao mình xuống nước thực hành động tác bơi cứu hộ; tiến hành sơ cứu người bị đuối nước… Tất cả diễn ra nhịp nhàng, nhanh chóng.

Tìm hiểu về hoạt động ƯPSCTTTKCN tại Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, Đại tá Lê Văn Diện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trước diễn biến khó lường của thời tiết những năm gần đây, ngoài việc nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ ƯPSCTTTKCN cho các lực lượng, năm 2022, chúng tôi đã tham mưu cho địa phương bảo đảm kinh phí gần 13 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, huấn luyện, diễn tập và mua sắm vật chất (trong đó, riêng mua sắm vật chất là 8 tỷ đồng). Qua một năm thực hiện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các lực lượng; sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ƯPSCTTTKCN trên địa bàn.

Từ những bài học thực tế

Xuất phát từ đặc điểm địa hình và thực tế diễn biến thiên tai diễn ra hằng năm, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 4 luôn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ƯPSCTTTKCN; kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc; kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị; kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật từ cấp Quân khu đến đơn vị cơ sở, sẵn sàng tham gia xử trí các tình huống xảy ra trong đơn vị và trên địa bàn.

Tìm hiểu thực tế ở các cơ quan, đơn vị, từ đơn vị thường trực đến đơn vị địa phương, chúng tôi nhận thấy, cùng với đầu tư mua sắm, các đơn vị luôn chú trọng làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, không để hư hỏng, mất mát, bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) hội thao phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.

Đại tá Phạm Văn Dũng, Phó tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết: “Quân khu thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với địa phương để phát huy phương châm “4 tại chỗ” một cách hiệu quả, nhất là trong công tác huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, kết hợp với huy động lực lượng, phương tiện ở địa bàn lân cận và lực lượng, phương tiện của cấp trên để kịp thời tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, góp phần giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Hằng năm tham mưu, chỉ đạo điều động hàng vạn bộ đội thường trực, dân quân tự vệ và phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai… được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao”.

Tính đến thời điểm này của năm 2023, Quân khu 4 chỉ đạo bộ CHQS các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự, với đề mục Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức chỉ huy điều hành ứng phó thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, hóa chất độc trên địa bàn tỉnh kết hợp với diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh.

Cùng với đó, Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ lái tàu, xuồng, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập huấn để củng cố, bổ sung kiến thức cơ bản về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó chú trọng huấn luyện phương pháp di chuyển người, vật chất ra khỏi vùng ngập lụt; phương pháp gia cố đê điều bằng vật liệu tại chỗ; chỉ đạo 4-5 huyện diễn tập phòng, chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn (Bộ tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp chỉ đạo 2-3 huyện trọng điểm về thiên tai, lũ lụt).

Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Thực hiện nhiệm vụ ƯPSCTTTKCN của LLVT Quân khu 4 những năm vừa qua để lại nhiều bài học quý giá, đó là: Việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phải có lực lượng am hiểu địa bàn và lực lượng xây dựng các công trình, dự án để cung cấp thông tin cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đặc biệt phải dựa vào kinh nghiệm của nhân dân địa phương, phát huy thế mạnh tại chỗ, kết hợp lực lượng, phương tiện hỗ trợ của trên. Lực lượng tại chỗ phải linh hoạt, bình tĩnh xử lý bước đầu các sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đây là nội dung rất quan trọng, nếu làm tốt, kịp thời, hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Đặc biệt, việc tổ chức, chỉ huy phải chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định trong thực hiện nhiệm vụ với việc nắm chắc, nhận định, đánh giá đúng tình hình, xây dựng kế hoạch, tổ chức đóng quân, canh phòng… và phải có sự phối hợp đồng bộ với các lực lượng của địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong ƯPSCTTTKCN.

Những bài học kinh nghiệm thực tế đó có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn, định hướng nâng cao năng lực ƯPSCTTTKCN của các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 4. Từ đó, đặt ra việc xác định tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, chiến sĩ và của các cơ quan, đơn vị, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra.

Bài và ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH