(Báo Quảng Ngãi)- Từ bỏ công việc ổn định với mức thu nhập khá, anh Phạm Quốc Vương (31 tuổi), ở thôn Trà Lăm, xã Bình Khương (Bình Sơn) đã trở về quê khởi nghiệp với nghề bánh tráng truyền thống của gia đình, nhưng bằng cách làm khác. Đó là đầu tư dây chuyền máy móc, sản xuất theo hướng công nghiệp, nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bại không nản
Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí và đang có một công việc ổn định, nhưng anh Vương vẫn quyết định về quê theo đuổi đam mê khởi nghiệp của mình. Chia sẻ về lý do nghỉ việc, anh Vương cho biết, tôi muốn bước ra khỏi không gian an toàn của chính mình, để chinh phục đam mê làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nghề làm bánh tráng vốn là nghề truyền thống của gia đình vợ anh Vương. Anh nhận thấy sản phẩm làm ra có lợi nhuận, thị trường tiêu thụ khá dồi dào. Tuy nhiên, gia đình làm thủ công rất vất vả, năng suất lại không cao, nên anh Vương ấp ủ dự định khởi nghiệp. Sau nhiều tháng trăn trở, học hỏi các kiến thức, cũng như tìm hiểu kỹ thị trường, anh Vương đã mạnh dạn xây dựng xưởng sản xuất, đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc và thành lập công ty cho riêng mình.
Nhờ năng động, dám nghĩ, dám làm mà anh Phạm Quốc Vương, ở xã Bình Khương (Bình Sơn), khởi nghiệp thành công với nghề sản xuất bánh tráng. |
“Ban đầu, khi biết tôi từ bỏ công việc ổn định để về quê khởi nghiệp, cha mẹ tôi phản đối gay gắt, vì lo rằng tôi sẽ thất bại. Khi bắt đầu chuyển hướng sang nghề bánh tráng, tôi phải dùng toàn bộ số tiền tích lũy, cộng thêm vay mượn gần 700 triệu đồng, để xây dựng xưởng sản xuất, đầu tư máy móc. Áp lực với số vốn đầu tư lớn, tôi càng quyết tâm phải làm cho được. Tôi luôn tự nhủ bản thân nếu có khó khăn thì phải sẵn sàng đương đầu, có thành công thì không vội tự mãn, mà phải kiên trì, tìm hướng phát triển bền vững”, anh Vương bộc bạch.
Cũng giống như nhiều bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp, thời gian đầu, anh Vương gặp khó khăn trong quá trình vận hành máy móc. Sản phẩm bánh tráng làm ra mẫu mã chưa đạt, khiến anh phải đổ bỏ nhiều lần. Lợi nhuận thu lại không có, ngược lại anh Vương phải bỏ ra chi phí lớn để duy trì xưởng sản xuất và trả lương cho công nhân. Không nản lòng, anh Vương đã tự nghiên cứu, mày mò, khắc phục những lỗi thường gặp, nhờ đó, sản phẩm bánh tráng làm ra đáp ứng đúng mong đợi của anh.
Dám sống với đam mê
Nhờ chú trọng đến chất lượng sản phẩm và tăng cường công tác quảng bá, nên hiện tại, số lượng bánh tráng của công ty anh Vương không đủ cung cấp ra thị trường. Sắp tới, anh dự định tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất và đầu tư thêm hệ thống máy móc, để mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. “Sau thời gian chọn hướng đi mới, tôi nhận ra rằng, khởi nghiệp quả thật rất gian nan.
Khó khăn trong công việc đã đành, nhưng thử thách nhất là bản thân có đủ can đảm để bước tiếp khi thất bại hay không, có theo đuổi đến cùng đam mê hay không. Khởi nghiệp không dành cho những người có suy nghĩ muốn nhàn hạ, mà phải dấn thân, chịu được áp lực cùng một lúc làm nhiều việc, từ khiêng vác đến tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm và hoạch định kế hoạch kinh doanh lâu dài”, anh Vương chia sẻ. Chính ý chí kiên định và không vội từ bỏ khi đối mặt với khó khăn, thất bại đã giúp anh Vương đạt những thành công ban đầu trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Sau gần 1 năm khởi nghiệp, đến nay, mỗi tháng, công ty của anh Vương sản xuất hơn 3 tấn gạo, sau khi trừ hết chi phí anh Vương có thu nhập gần 20 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của anh Vương hiện tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Bí thư Đoàn xã Bình Khương Nguyễn Thành Quang nhận xét, anh Phạm Quốc Vương là một thanh niên năng động, dám đương đầu với thử thách, để theo đuổi đam mê khởi nghiệp của mình. Điều đặc biệt ở anh Vương là, khi mở công ty sản xuất bánh tráng đã tạo việc làm cho những lao động lớn tuổi ở địa phương, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đây là gương thanh niên tiêu biểu, là động lực tiếp sức cho các bạn đoàn viên, thanh niên mạnh dạn lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
.