Những năm qua, ngành chăn nuôi của Đồng Nai không ngừng lớn mạnh, giúp cho hàng ngàn hộ gia đình vươn lên khá giả, góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nước, không khí.
Đoàn liên ngành của H.Thống Nhất kiểm tra môi trường trại vịt tại ấp 1, xã Lộ 25, H.Thống Nhất. Ảnh: H.LỘC |
Bên cạnh những cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt các quy định về môi truờng vẫn còn nhiều cơ sở chưa tuân thủ. Hệ lụy là ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
* Sông, suối bị nước thải “bức tử”
Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước sông, suối, hồ năm 2022 của Sở TN-MT cho thấy, rất nhiều nơi hàm lượng chất hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh vượt ngưỡng cho phép. Một trong những “thủ phạm” gây nên tình trạng này nước thải chăn nuôi.
Điển hình là suối Tam Bung (H.Định Quán), suối Gia Tân (H.Thống Nhất), suối Dâu (H.Trảng Bom); sông Nhạn (H.Thống Nhất), sông Buông (H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa)… Kết quả phân tích mẫu nước các sông, suối này bị ô nhiễm ít nhất vài lần trong năm, có vị trí luôn trong tình trạng ô nhiễm.
Đáng chú ý là sông Buông, chảy qua 6 địa phương là TP.Long Khánh, H. Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa rồi hợp lưu với sông Đồng Nai nhưng luôn trong tình trạng ô nhiễm. Chất lượng nước sông Buông năm 2022 và quý I-2023, có chất hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh trong nước luôn vượt ngưỡng nhiều lần, dẫn đến chất lượng nước hay ở mức xấu. Một trong những nguyên nhân chính là gần sông có hơn 500 cơ sở chăn nuôi lớn, nhỏ xả thải ra.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 1,4 cơ sở chăn nuôi tập trung và gần 22,3 cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Hiện mới có 257 cơ sở lớn được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT chi tiết; 313 cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện được cấp thủ tục về môi trường. |
Bà Trần Thị Minh Hải, Phó trưởng phòng TN-MT H.Thống Nhất cho biết, trên địa bàn có khoảng 157 cơ sở sở chăn nuôi nằm ven sông, ven suối có nước thải chăn nuôi trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sông Buông. Các cơ sở này trước đây đảm bảo khoảng cách với nguồn nước, nhưng sau đó chủ trại tăng quy mô, xây dựng thêm chuồng trại dẫn đến không đảm bảo khoảng cách an toàn. Một số trường hợp còn xả nước rửa, xác vật nuôi xuống sông, suối gây ô nhiễm.
Vừa qua, Sở TN-MT kiểm tra 4 trại heo tại H.Thống Nhất tất cả đều có chuồng trại xây dựng sát bờ suối, có ống xả thải dẫn ra suối. Theo ý kiến của Sở TN-MT, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi xả nước thải cần thiết áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là buộc tháo dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về BVMT; buộc lập báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đại diện Thanh tra Sở TN-MT cho rằng, thời gian qua, Thanh tra sở, các địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ có thời hạn nhiều cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn. Có tình trạng “cả nể” trong xử phạt, vi phạm nhiều nội dung nhưng lập biên bản ghi một vài lỗi. Cũng có cái khó trong áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung để tăng tính răn đe đó là đối với cơ sở chăn nuôi không thể buộc đình chỉ hoặc di dời ngay lập tức mà phải có lộ trình đến tuổi vật nuôi xuất chuồng. Quá trình đó, chủ trại có thể lén lút thả lứa mới, tiếp tục vi phạm.
* Đời sống, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng
Để giảm áp lưc về môi trưởng vùng sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người dân, nhiều năm trước tỉnh đã quy hoạch vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung, phát triển các mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học. Cũng có những cơ sở chăn nuôi tiên phong chấp hành yêu cầu di dời, đầu tư nâng cấp chuồng trại nhằm BVMT. Nhưng vì phát triển không theo quy hoạch, không chấp hành tốt công tác BVMT còn nhiều dẫn đến ô nhiễm tái diễn.
Theo phản ánh của người dân ấp 4, xã Lộ 25 (H.Thống Nhất), nhiều năm qua, trại heo của bà Hoàng Thị Thiện thường xuyên xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Mùi hôi thối bốc ra từ trang trại khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Ghi nhận tại hiện trường ngày 4-5-2023 của Sở TN-MT, trang trại này có nước thải chảy tràn ra đất, hồ chứa nước thải sau xử lý có màu nâu, không có giấy phép môi trường.
Chị Lê Thị Vân, ngụ ấp 4, xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) cho biết, từ ngày chủ trang trại mở rộng quy mô mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Người dân đã kiến nghị lên xã nhiều lần rằng mùi hôi ảnh hưởng sức khỏe, nước thải ảnh hưởng đến nước giếng, nhưng đến nay các trại heo vẫn không còn đó.
Hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai vẫn “ba không”: quy hoạch, giấy phép, công trình BVMT. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chủ cơ sở nhưng nhìn lại có sự thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng, giấy phép môi trường của các địa phương.
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, chất lượng nước mặt, nước ngầm nhiều nơi đang suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động của con người trong đó có chăn nuôi. Thời gian qua, ngành TN-MT và các địa phương đã có nhiều giải pháp xử lý nhưng tình trạng chăn nuôi không theo quy hoạch, không giấy phép, không đáp ứng tiêu chí môi trường vẫn còn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho hay, hiện một số huyện như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất đã phát triển chăn nuôi vượt mật độ cho phép. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh cũng như đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Hoàng Lộc
Bài cuối: Những quyết sách để phát triển chăn nuôi bền vững
.