Nằm ở phía tây của tỉnh, tiếp giáp với Tây Nguyên, huyện Sông Hinh là vùng đất có nhiều dân tộc từ nhiều vùng miền cùng sinh sống. Dòng hội tụ ấy đã tạo nên những nét văn hóa rất đa dạng, phong phú và lung linh sắc màu.
Quê hương của sử thi
Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Sông Hinh đã và đang lưu giữ một kho tàng văn hóa độc đáo. Về kiến trúc có nét văn hóa của nhà rông, nhà dài, nhà mồ… Về âm nhạc có cồng, chiêng, trống, kèn, đàn tính, đàn goong, tù và… Dân ca, dân vũ có không gian cồng chiêng, múa xoan, nhảy a ráp, hát khan, hát then… Về phong tục, tín ngưỡng có tục cưới hỏi, ma chay, nghi lễ, thờ cúng. Về trang phục có hoa văn, thổ cẩm mang đầy đủ các nét đặc trưng của dân tộc bản địa và các dân tộc từ nhiều nơi về đây sinh sống.
Theo điều tra của Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở VH-TT&DL) trên địa bàn huyện Sông Hinh có gần 100 sử thi, nhiều nhất là sử thi của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Từ xưa, trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện, sử thi chiếm vị trí rất quan trọng và có sức thu hút mạnh mẽ. Mỗi sử thi là một câu chuyện lịch sử gắn bó với cộng đồng , được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi khi nghệ nhân hát sử thi, buôn làng từ già đến trẻ lũ lượt kéo đến im lặng lắng nghe, hết đêm này qua đêm khác. Sự cuốn hút của sử thi không chỉ là ở tiết tấu, âm điệu mà còn qua sự biểu đạt truyền cảm của nghệ nhân, qua nội dung câu chuyện ở từng chương, từng khúc.
Qua sử thi, buôn làng nhận biết được quá trình xây dựng, hình thành, lịch sử đấu tranh chống thiên tai, bạo lực, bất công; lưu truyền các phong tục tập quán, nếp sống của cộng đồng và mối quan hệ giữa các tộc người trong địa vực cư trú. Không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề, mà chất lượng nhiều bản sử thi của Sông Hinh rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ… Vì lẽ đó mà các nhà khoa học không ngần ngại đưa ra nhận định: “Sông Hinh là quê hương của sử thi”.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do từ nền kinh tế – xã hội còn khó khăn; tác động của mặt trái kinh tế thị trường; sự lan truyền, phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin và các luồng văn hóa trên internet, không gian mạng… đã chi phối, tác động không nhỏ đến nhận thức, thị hiếu, hành vi của số đông người dân, làm cho nhiều nét văn hóa đặc sắc bị mai một. Điều đó đặt ra đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc vốn có ấy.
Phát huy giá trị văn hóa các DTTS
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và chỉ ra rằng, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa và con người mãi là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ năm 2008, huyện đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc huyện Sông Hinh và tiếp tục thực hiện trong các giai đoạn 2011-2015, 2015-2020 và 2020-2025. Qua thực hiện đề án, đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, như: Sưu tầm một số nhạc cụ và trang phục truyền thống của người Ê Đê; tổ chức 5 lớp truyền dạy nghệ thuật sử dụng nhạc cụ dân tộc (cồng chiêng); tổ chức hội thi chế tác nhạc cụ dân tộc và đẽo tượng; sưu tầm được 3 trường ca, ghi âm 9 câu chuyện cổ tích của người Ê Đê; phục dựng một số lễ hội truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần bằng men truyền thống; tổ chức các liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, nhạc cụ dân tộc; thành lập các câu lạc bộ âm nhạc truyền thống dân tộc ở các xã, thị trấn…
Trong thời gian tới huyện Sông Hinh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, ý thức trân trọng và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS; quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng chương trình, nội dung hoạt động cho các buôn làng theo hướng ưu tiên khôi phục lại 4 giá trị văn hóa truyền thống gồm lễ hội, hoa văn, cồng chiêng, nhạc cụ; sớm đầu tư xây dựng nhà rông truyền thống của huyện làm nơi để trưng bày, bảo tồn các hiện vật văn hóa; xây dựng và thực hiện hiệu quả đề án Buôn văn hóa, du lịch Lê Diêm gắn với việc ưu tiên phục dựng không gian buôn làng truyền thống, không gian rừng, không gian bến nước, tạo không gian văn hóa lành mạnh và phát triển, nhất là di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng”…
Đồng thời, địa phương ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực từ trong cộng đồng đồng bào DTTS, đảm bảo tăng về số lượng và chất lượng. Phát huy vai trò của các già làng, nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, gắn với việc ban hành và thực hiện có hiệu quả nghị quyết tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện. Tích cực vận động xã hội hóa, tăng cường nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa dân gian; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian; tăng cường công tác thông tin về các chương trình quảng bá, mời gọi, hợp tác, giao lưu văn hóa…
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sông Hinh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Sông Hinh phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sưu tầm, xây dựng hồ sơ đối với những hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử; văn hóa phi vật thể và phục dựng một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào các DTTS”. |
NGUYỄN CHÍ HIỀN
Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh