Thành phố miền Trung ở Ukraine hứng tên lửa Nga, Kiev ‘ngắm’ máy bay chiến đấu F-18 của Canberra… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ukraine đề nghị Australia cung cấp thông tin về các máy bay chiến đấu F-18 đã nghỉ hưu của Canberra. (Nguồn: Military.com) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga tung video thu giữ khí tài của Đức và Mỹ ở Ukraine: Ngày 13/6, Bộ Quốc phòng Nga công bố đoạn video về những gì Moscow nói là hai xe tăng Leopard do Đức sản xuất và hai xe chiến đấu Bradley do Mỹ sản xuất bị lực lượng Nga thu giữ sau các cuộc đụng độ với Ukraine tại Zaporizhzhia.
Trong một tuyên bố ngắn kèm videho đăng trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga gọi các thiết bị quân sự bị thu giữ là “chiến lợi phẩm”. Moscow cũng lưu ý rằng, dù các khí tài nêu trên có phần bị hư hỏng, song động cơ của chúng vẫn hoạt động, bằng chứng cho thấy binh sĩ Ukraine điều khiển xe đã sớm rút lui. (Reuters)
* Nga bắt giữ công nhân quốc phòng nghi làm gián điệp cho Ukraine: Ngày 13/6, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã bắt giữ một nhóm các cựu công nhân ngành công nghiệp quốc phòng bị nghi làm gián điệp cho Ukraine, cũng như chuyển giao các tài liệu kỹ thuật và mô hình được sử dụng để sản xuất hệ thống vũ khí và máy bay cho không quân Nga.
Theo FSB, chính nhóm này đã tham gia vào các kế hoạch cho nổ tung cơ sở hạ tầng giao thông như các tuyến đường sắt được sử dụng để cung cấp hàng hóa cho các lực lượng Nga tại Ukraine. Hiện danh tính cụ thể của những người này vẫn chưa được tiết lộ. (Reuters)
* Nga sẽ hủy bỏ hiệp ước với Ukraine về Biển Azov, Eo biển Kerch: Ngày 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow sẽ hủy bỏ hiệp ước hợp tác với Ukraine về việc sử dụng Biển Azov và Eo biển Kerch.
Hiệp ước nêu trên được đại diện hai nước ký tại thành phố Kerch, bán đảo Crimea ngày 24/12/2003. Văn bản này nhấn mạnh vai trò quan trọng của Biển Azov và Eo biển Kerch với phát triển kinh tế hai nước, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ khu vực Azov-Kerch như thực thể kinh tế và tự nhiên không thể tách rời. (RIA)
* Wall Street Journal: Mỹ sẽ cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine: Ngày 13/6, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin, các quan chức nước này hôm 12/6 cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo. Quyết định này có thể được đưa ra sau nhiều tuần tranh luận nội bộ về cách trang bị vũ khí cho xe tăng Abrams mà Washington sẽ chuyển cho Kiev.
Trước đó, hồi tháng Tư, Anh cho biết đã chuyển tới Ukraine hàng nghìn quả đạn trang bị cho xe tăng Challenger 2, trong đó có đạn xuyên giáp uranium nghèo. Ngay lập tức, chính quyền Nga đã chỉ trích gay gắt động thái này. (Wall Street Journal)
* Ukraine: Nga tấn công tên lửa thành phố Kryvyi Rih: Ngày 13/6, viết trên Telegram, ông Oleksandr Vilkul, Thị trưởng thành phố miền Trung Ukraine cho biết, tính đến 13h (17h theo giờ Việt Nam) đã có 10 người thiệt mạng sau đợt tấn công bằng tên lửa cùng ngày của Nga. Quan chức này cũng nêu rõ, hiện một người khác đang mắc kẹt dưới đống đổ nát và 28 người bị thương. (Reuters)
* Quân đội Ukraine mất một nửa số xe tăng Leopard do Phần Lan viện trợ: Ngày 12/6, báo Helsingin Sanomat (Phần Lan) trích lời chuyên gia kiểm chứng John Helin cho biết, bức ảnh công bố ở tỉnh Zaporizhzhia và trên kênh Telegram “Người đưa tin quân sự” là thật. Như vậy, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) có thể đã mất 3/6 xe tăng Leopard của Đức do Phần Lan cung cấp.
Ngày 11/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 11 xe tăng Ukraine, trong đó có 3 chiếc Leopard, đã bị phá hủy ở Nam Donetsk, Zaporizhzhia và Donetsk trong cùng một ngày. Trước đó một ngày, quân đội xứ bạch dương cho biết, VSU đã mất 9 xe tăng, bao gồm 4 chiếc Leopard. (Helsingin Sanomat)
* Ukraine “để mắt” F-18 của Australia: Ngày 13/6, trả lời phỏng vấn AFP (Pháp), Đại sứ Ukraine tại Australia Vasyl Myroshnychenko cho biết, Ukraine đã đề nghị với Australia cung cấp thông tin về tình trạng 41 máy bay chiến đấu F-18 “đã nghỉ hưu” tại căn cứ không quân ở Bắc Sydney.
Trước đó, một số nước phương Tây đã đề cập khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, song đây là lần đầu tiên Kiev thể hiện sự quan tâm công khai của mình với dòng máy bay phản lực F-18 của phía Canberra.
Về phần mình, ông Mick Ryan, cựu Thiếu tướng Australia, cho rằng, F-18 có thể giúp tạo nên một “sân chơi bình đẳng” trước lực lượng không quân mạnh hơn và được trang bị tốt hơn của Nga. Theo ông, nó sẽ giúp ngăn chặn các cuộc tấn công vào thị trấn, thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. (AFP)
* Serbia cảnh báo xung đột đỉnh điểm ở Ukraine: Ngày 13/6, phát biểu trên kênh Happy TV (Serbia), Tổng thống nước này Aleksandar Vucic nói: “Tôi sợ rằng xung đột sẽ leo thang hơn nữa. Ukraine chỉ bắt đầu phản công và cuộc phản công ấy sẽ còn mạnh hơn. Phản ứng của Nga, nếu họ đủ lực lượng, cũng không hề yếu”.
Ông nhận định diễn biến ở Ukraine đang góp phần gia tăng áp lực lên Serbia trong bối cảnh phương Tây áp đặt trừng phạt. Việc tiêu hủy vũ khí phương Tây nói riêng cũng gây căng thẳng trên trường quốc tế.
Nhà lãnh đạo này chỉ ra rằng, Ukraine là một quốc gia thân thiện với Serbia bởi Kiev không công nhận nền độc lập của Kosovo tự xưng. Tổng thống Vucic nhắc lại rằng Beograd không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và nay vẫn tiếp tục duy trì lập trường này. (TASS)
Israel gửi viện trợ thực phẩm cho Ukraine, báo cho Mỹ về khu định cư Bờ Tây |
Đông Bắc Á
* Ngoại trưởng Trung Quốc, Palestine hội đàm ở Bắc Kinh: Ngày 13/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Ngoại trưởng nước này Tần Cương đã gặp người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki cùng ngày tại Bắc Kinh.
Trước đó, truyền thông Palestine thông báo, Tổng thống nước này Mahmoud Abbas đã tới Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày. Dự kiến, ông Abbas sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và quan chức cấp cao khác.
Phía Bắc Kinh bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện cho hòa đàm giữa Israel và Palestine. (Reuters)
* Cố vấn an ninh Hàn, Mỹ, Nhật lên kế hoạch hội đàm tại Tokyo: Ngày 13/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia nước này Cho Tae Yong sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 14-15/6 để gặp người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan và Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo.
Dự kiến, các bên sẽ “thảo luận chuyên sâu” về Triều Tiên, các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng, cũng như tiến trình phía trước cho hợp tác ba bên.
Theo nguồn tin trên, ông Cho cũng sẽ tổ chức gặp song phương riêng rẽ với ông Sullivan và ông Akiba để thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Vì Nga, Mỹ khiến nhiều nước ‘quay xe’ với USD, Trung Quốc đã thấy cơ hội khả thi |
Châu Âu
* Xuất khẩu của Đức sang Nga giảm mạnh: Ngày 13/6, Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho biết, xuất khẩu của Đức sang Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trừ Nga từ tháng 1-4/2023 đạt 2,9 tỷ Euro, nhiều hơn 1,5 tỷ Euro (tương đương mức tăng 106,4%) so với cùng kỳ năm 2021 – thời điểm trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp trừng phạt được áp đặt với Moscow đã bị phá vỡ một phần khi hàng xuất khẩu được đưa tới các nước láng giềng của Nga, từ đó chúng được chuyển tiếp đến nước này.
Trong khi đó, so với giai đoạn trước xung đột tại Ukraine, xuất khẩu của Đức sang Nga đã giảm mạnh ngay từ đầu năm nay. Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, Đức xuất khẩu sang Nga số hàng hóa trị giá 3,5 tỷ Euro, giảm trên 58% so với cùng kỳ năm 2021 (8,4 tỷ Euro). (TTXVN)
* Belarus nêu lý do để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật: Ngày 13/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ đóng vai trò răn đe chống lại nguy cơ tấn công từ những kẻ tấn công và không nên do dự sử dụng loại vũ khí này nếu cần.
Trước đó, ngày 9/6 tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo cho người đồng cấp Belarus rằng, Moscow sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus từ ngày 7-8/7 tới, sau khi các cơ sở tại đây sẵn sàng. (Belta)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Belarus hoàn thành chuyển giao S-400, tiếp tục kế hoạch luân chuyển các đơn vị quân đội |
Trung Đông-Châu Phi
* Mỹ kêu gọi Tunisia chấp nhận gói cải cách của IMF: Ngày 12/6, thảo luận với người đồng cấp Italy Antonio Tajani tại Washington D.C. (Mỹ), Ngoại trưởng nước chủ nhà Antony Blinken đã đề cập tình trạng khó khăn về kinh tế tại Tunisia. Theo đó, ông ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) viện trợ khẩn cho Tunisia, đổi lại, nước này phải chấp nhận kế hoạch của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, nhà ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc Tunisia trình bày kế hoạch cải cách sửa đổi cho IMF và để quỹ có thể hành động theo kế hoạch đưa ra. Rõ ràng, Tunisia cần hỗ trợ bổ sung nếu muốn tránh rơi vào vực thẳm kinh tế”.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nêu rõ, EU sẵn sàng cung cấp 900 triệu Euro để hỗ trợ Tunisia phát triển trong dài hạn. Ngoài ra, quốc gia Bắc Phi này cũng sẽ nhận thêm 150 triệu Euro hỗ trợ ngân sách lập tức, sau khi “đạt thỏa thuận cần thiết” nhằm “củng cố mối quan hệ giữa hai bên”.
Theo thông báo được đăng trên trang web của EC, khoản viện trợ trên sẽ phụ thuộc quyết định phê duyệt khoản vay gần 2 tỷ USD Tunisia đang đàm phán với IMF. (AFP)